Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

LAN MAN LỢN


        Năm nay 2019, tính theo lịch âm Kỷ Hợi là năm con lợn. 
       Thời trước, các cụ ta hay đặt tên con theo năm âm, ví như Hợi, Tuất, Thìn, Mão..., đẻ năm Hợi thì đặt luôn tên Hợi. Hồi học phổ thông lớp tôi có một anh bạn tên là Hợi mà các bạn cứ réo tên gọi là thằng Lợn. Anh ta cáu lắm, nhưng sau quen dần cứ nghe đến Lợn là anh ta giật mình ngoái lại.
        Về sau thì dân ta không thích đặt kiểu như vậy nữa. Vả lại người đông ra, mỗi làng có đến dăm bảy thằng Hợi thì lẫn lung tung cả. Hoặc là đặt như thế trẻ chúng nó chế thành Lợn thì cũng khổ.
      Trong các con vật nuôi thì con gà, con lợn là phổ biến nhất. Ở thành phố có thể ít nhưng ở nông thôn thì hầu như không mấy nhà không có. Tại sao vậy? Trước hết phân lợn là loại phân bón tuyệt vời, “nhất nước, nhì phân” mà. Trâu bò thả ngoài đồng thì phân nó rải lung tung còn lợn nhốt trong chuồng thì tận thu hết. Để tăng  lượng phân người ta độn thêm rơm, rạ, lá cây vào chuồng. Hàng vụ nhập cho Hợp tác xã lấy công điểm, định mức đầu năm đã đề ra nếu thiếu sẽ bị phạt. Vì lẽ đó phân lợn thì ít nhưng phần độn thì nhiều vô kể.
       Thời bao cấp, lợn nuôi phải nhập cho Nhà nước với giá rẻ. Nhà nào mổ thịt sẽ bị quy tội mổ trộm. Nếu được phép mổ thì phải nộp thuế “sát sinh”. Chỉ khi nào nuôi lợn bán đủ cân cho Nhà nước, sau đó xin phép Hợp tác xã thì mới được mổ  lấy thịt gói bánh chưng, gói giò đón xuân. Và cũng phải 3, 4 nhà chung nhau một con. 
      Chúng tôi là giáo viên được phân phối thịt lợn Tết, phải đạp xe xuống cửa hàng Thực phẩm huyện xếp hàng cả buổi may ra được mấy lạng thịt. Đã có câu chuyện tếu: “Cửa hàng thông báo: Hôm nay hết thịt giáo viên, ngày mai bán thịt hưu trí” hoặc là: “Cửa hàng ‘hết lòng’ phục vụ nhân dân”.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét