Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

BẾN ĐÒ TƯ TUẦN

Ít ai có thể ngờ rằng cái đoạn sông này đã từng có một thời náo nhiệt, tấp nập khách bộ hành. Nó là cửa ngõ phía Tây của Nga Sơn đi lên Bỉm Sơn, lên Quốc lộ 1. Nơi đó chính là Bến đò Tư Tuần.
Bến đò này thuộc làng Phúc Thọ (xóm 9, xã Nga Vịnh, Nga Sơn). Còn phía bên kia là xã Hà Châu, huyện Hà Trung. Đôi bên nhà đò đã thống nhất với nhau, cứ hết 5 ngày lại đổi phiên. Đúng giờ ấy, ngày ấy là bên kia phải cho đò của mình về lạch để rồi 5 ngày sau quay lại.
Những chiều thứ 7, những sáng thứ 2, khách qua đò nườm nượp. Xe máy, xe đạp, xe cải tiến đi lấy củi, chở đồ…. Về sau đông khách quá, nhà đò mua thùng phuy kết với nhau làm cầu phao. Thỉnh thoảng mở ra cho tàu bè lưu thông. Chả rõ quy định ở đâu mà họ thu tiền của cả tàu thuyền chạy trên sông. Cầm sẵn một cái vợt có cán dài giơ ra, những nhà tàu thuyền kia chỉ việc thả tiền vào đó, thật tiện. Trong một thời gian dài đò Tư Tuần là nơi thu nộp ngân sách cho địa phương hai bên tương đối nhiều. Những trận đấu thầu Đò ngày càng trở nên quyết liệt.
Năm 1992, con đường ra đò Đa Nam được hình thành, đi theo đường này lên Bỉm Sơn gần được mấy cây số, người ta đi theo lối ấy cho nhanh. Đò Tư Tuần vắng khách dần, chỉ còn dân hai bên qua lại đi dậm cáy, đi bắt ốc, cắt cỏ….
Nay thì đò đã về hưu, bến vắng, đường hoang không còn người qua lại, cỏ dại tốt um tùm.
Không biết đã có ai nhỡ đò ở đây chưa. Từ ký ức sâu thẳm trong tôi đang vang lên tiếng gọi thống thiết trong đêm: “Đò ơi….ơi… Đò….”….  của một lữ khách nào đó, do xe hỏng phải dắt bộ về bến gọi đò.
Ngã ba sông, phía trước mặt còn gọi là Vụng bà Tân

Bên kia là Đồng A, xa xa là núi Tréo Vành và Nhà máy xi-măng Bỉm Sơn
Đọc tiếp »

CUỘC HỘI NGỘ


Khoảng từ đầu năm 2014, trên trang Facebook của tôi khởi động một chủ đề mời Xướng Họa thơ Đường. Cái chủ đề ấy nó rất thường, thậm chí còn hèn mọn như con sâu, cái kiến, con ốc, con cua. Cũng có người cho rằng nói về những thứ đó nó nhỏ nhen quá. Tôi lại nghĩ khác, cuộc sống là muôn màu, không thể làm được những thứ lớn lao, tôi chỉ hướng vào những vật bình thường.
Thật không ngờ chỉ sau vài cuộc, bạn bè đã đến cổ vũ, động viên, góp lời bình họa ngày càng đông đảo. Đã có đến 15 con vật được thi vị hóa dưới các góc độ khác nhau như Kiến, Ốc, Tôm, Cua… Trong môi trường được mài dũa, cọ xát nhiều mình cũng tự thấy khả năng lắp ghép từ ngữ dần dà trở nên linh hoạt hơn, luật lệ thông tỏ hơn.
Tập hợp các bài Xướng Họa đó tôi đóng thành một tập đặt tên là “Cuộc hội ngộ bất ngờ”. Hội ngộ giữa các loài vật và cũng là hội ngộ các bạn bè muôn phương cùng sở thích. Tôi đã và sẽ tặng cho những ai có đóng góp trong đó dù chỉ một bài. Xem danh sách các con vật đã xuất hiện bỗng ngẫu hứng nảy ra mấy câu tứ tuyệt:
             Kiến cọp trâu chim chuột mọt rùa
             Cóc gà chó ngựa ốc tôm cua
             Cõi người cũng có ngàn cung bậc
             Mấy phút cười vui, một chút đùa.
Hôm gặp Khánh Vân, người đã nồng nhiệt đồng hành suốt cả chiều dài những kỳ xướng họa, tôi đã tặng nàng một cuốn. Cũng coi như một kỷ niệm về Cuộc hội ngộ đầy bất ngờ này.
Anh Nhụy Gialai đã kỳ công lưu trữ vào Blog của anh ta. Đường dẫn đây, mời các bạn vào xem, cực kỳ đẹp mắt và sang trọng.
Những ai có Blog hãy lưu trữ vào đó để đôi lúc buồn tình mang ra coi lại, nhớ về một thời trăn trở xướng họa cùng thơ Đường.
Lâu nay chủ đề các loài vật tạm thời khép lại không phải vì nó tầm thường. Tôi chuyển sang các đề tài góc khuất của cõi người như “Rót rượu”, “Cắt tóc”, “Hạc mưu sinh”…. Rồi tới lúc nào đó sẽ có dịp quay lại.
Trân trọng kính mời các bạn tranh thủ thời gian ghé qua và nếu góp vào được thì càng hay.
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

KHÁNH VÂN


Trên trang Facebook của tôi cũng như một số bạn bè khác có cái tên Khanh Van Chi Duc. Cô xinh đẹp, có lẽ thế, nhìn ảnh thì biết. Nhưng cái quan trọng hơn cô viết thơ Đường khá điêu luyện, khiến nhiều đấng mày râu phải thán phục.
Hồi đầu năm nay, dân chơi thơ Đường bỗng dưng thấy xuất hiện một nhân vật xướng họa với phong cách thật tài hoa. Cô làm nhanh và rất khéo dùng từ. Không rõ cô ta ở đâu, làm việc gì mà cứ thấy đều đều ra lò các thi phẩm xinh xắn trên Face.
Từ những câu thơ rất khí phách khi Vịnh Cọp buổi đầu:
               “Tự tại ung dung trước cửa đền
                 Ngắm vầng nhật nguyệt lặn rồi lên…”
Cho đến bài “Vịnh Trăng” gần đây đã mang đầy ý tứ sâu sắc và trí tuệ của một người từng trải, lịch lãm:
                  Soi sáng đêm đêm khắp mọi nhà
                  Lênh đênh tròn khuyết giữa bao la
                  Lung linh đáy nước dòng sông rộng 
                  Vằng vặc lưng trời đỉnh núi xa
                  Hư thực chuyện xưa tài Hậu nghệ 
                  Giả chân tích cũ sắc Hằng Nga 
                  Trách ai tát nước bên đường ấy
                  Đã múc vào rồi lại đổ ra.
Hôm vừa rồi cô hẹn qua Thanh Hóa. Mấy anh em chúng tôi cùng lên sân bay Sao Vàng đón, đi thăm thú vài nơi rồi về giao lưu tại Bỉm Sơn. Cũng chỉ biết nhau qua mạng nhưng khi gặp gỡ người thật việc thật thì mới thấy bất ngờ. Đã sở hữu cái tuổi 50 mà trông cô còn quá trẻ đẹp và nhanh nhẹn. Con của cô, một đứa đã có bằng Thạc sỹ và đã lập gia đình, một đứa vừa tốt nghiệp Thạc sỹ bên Úc. Hạnh phúc hơn cô còn có một người chồng thành đạt và rất chiều vợ, anh ta là Chí Đức đã được Khánh Vân trân trọng gắn bên cạnh tên mình.
Có dịp tìm hiểu chúng tôi mới rõ thêm, song thân của cô cũng là những nhà giáo mẫu mực và cũng làm thơ. Từ nhỏ cô đã được ông ngoại dạy cho làm Đường luật. Học chuyên toán vào đời bận rộn với biết bao công việc xã hội, rồi việc gia đình, tưởng hồn thơ trong cô đã tắt. Không ngờ tham gia Facebook thấy bạn bè xướng họa vui quá thế là máu nghệ sỹ từ thời thơ ấu trỗi dậy. Kể cũng lạ, giữ trọng trách ở một Doanh nghiệp lớn, không hiểu cô lấy đâu ra thời gian. Dường như đoán được ý chúng tôi cô cho biết: Vừa làm việc, vừa làm thơ cô cảm thấy tâm hồn mình thư thái hơn, cân bằng hơn, nhân văn hơn. Cái tham, sân, si trong người cũng nhờ thế được chế ngự.
Hôm gặp nhau tôi tặng cô cuốn sách “Cuộc hội ngộ bất ngờ” và coi đây cũng là một Cuộc hội ngộ bất ngờ vậy.
Chúc cô trẻ mãi cùng năm tháng và luôn đồng hành cùng bạn bè qua những vần thơ.   

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

LAM KINH


Khoảng 15 giờ, chúng tôi đến Lam Kinh. Cây cối xanh tươi trong khu di tích đã làm dịu đi phần nào cái nóng oi ả ban chiều.
Qua cầu Bạch làm bằng đá trắng có dáng cong cong, là đường vào Ngọ Môn. Ngọ Môn là một tòa nhà kiểu cổ đồ sộ, cột gỗ khá lớn, đường kính đến 70 cm. Đang trong quá trình xây dựng nên mới có được khung nhà, vật liệu hãy còn để ngổn ngang.
Sau Ngọ Môn là Sân Rồng dài rộng đến cả trăm mét, được lát gạch bát bắt mạch. Gạch ngói xây dựng trong di tích cũng có kích thước riêng, được đặt hàng riêng cho một cơ sở sản xuất đúng theo kiểu ngày xưa. Bên cạnh Sân Rồng có cây Đa Thị 300 tuổi. Gọi là cây Đa Thị vì chúng mọc cạnh nhau và quấn quýt với nhau, bây giờ thì chỉ thấy rễ đa chằng chịt.

Cuối Sân Rồng là khu Chính điện. Các nhà khảo cổ, các nhà phục chế đã có ý thức tìm lại dấu xưa, xây các tòa điện đúng trên nền cũ dựa vào hàng trăm chân tảng còn sót lại. Điện Lam Kinh đã được các vua đời Lê sơ dày công xây dựng nhưng cũng đã bị đốt phá đến 2 lần dưới triều Mạc và triều Quang Trung. Đôi khi những chi tiết này ít người được biết phải chăng cũng là do lịch sử thiếu sự trung thực và công bằng. Chỉ vì căm thù một thể chế mà tàn sát, thiêu hủy cả một khu di tích. Chính vì thế mà đất nước ta chuyện phá và xây cứ nối tiếp dài dài...
Phía sau các tòa điện là mộ vua Lê Thái Tổ. Mộ hình chữ nhật, xung quanh xây bằng đá khối đục vuông, bên trong đắp đất. Vùng này thuộc nơi đồng bào Mường sinh sống nên trước mộ có tượng quan hầu và các con vật như voi, ngựa, hổ, tê giác sắp hai bên tả hữu trấn yểm. Nơi đây lại còn có một cây ổi kỳ lạ, khẽ sờ tay vào thân cây thì toàn bộ cành lá khẽ rung rinh như có một lực vô hình nào tác động. Không gian ấy đã đủ để tôn nghiêm, trang trọng mà thành tâm tưởng nhớ tới bậc quân vương, vị anh hùng dân tộc. Nhưng đáng tiếc thay, ngay đằng sau khu lăng mộ lại lù lù cái băng-rôn chữ vàng nền đỏ: “Mộ vua Lê Thái Tổ”. Thiết tưởng Ban Quản lý nên cho gỡ cái băng-rôn chỉ dẫn ấy đi, nó làm hỏng bố cục toàn cảnh.
Đến Lam Kinh mà bỏ qua Bia Vĩnh Lăng thì cũng coi như chưa đến. Đây được xem là một biểu tượng của xứ Thanh Hoa. Bên trong nhà bia kiến trúc cổ kính là tấm bia lớn sừng sững cao đến 3 mét  đặt trên lưng rùa đá cũng phải dài đến 3 mét. Tất cả đều là đá nguyên khối. Bia do Nguyễn Trãi soạn, nội dung ca ngợi công đức vua Lê Lợi, nếm mật nằm gai cùng tướng sỹ lập nên nghiệp lớn. Ở đây cũng giống như bên khu lăng mộ, một tấm biển màu đỏ choét, chữ vàng chỉ dẫn ngay bên cạnh, nó thật không cân xứng, hài hòa giữa một không gian trang trọng. Có cần thiết phải đặt một cái lư hương để cắm hương ở chỗ này không?
Ra về, đi dưới tán cây rừng xôn xao gió chiều, nghĩ về quá khứ cha ông hào hùng suốt cả chiều dài lịch sử. La liệt những tấm pa-nô treo trên cột ghi công tích của Nguyễn Trãi, Nguyễn Chích, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Lê Lai… Và... sẽ không đủ giấy để ghi công ngàn vạn những anh hùng mà sử sách không ghi danh họ. Họ đã lẫn vào đám đông, lẫn vào cây cỏ mà góp sức dựng nên cả một vương triều.

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

TÓC

 Mái tóc là góc con người…
 Lúc trước, người Việt đều để tóc dài búi tó củ hành sau gáy, bất kể là trai hay gái. Khoảng 100 năm về trước, nghề cắt tóc không có. Sau khi Pháp sang đô hộ, có sự tiếp xúc với văn minh phương Tây, các nhà cải cách canh tân của nước ta như các cụ Lương Văn Can, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh…. muốn đưa lối sống mới vào thay thế đã cổ động cho phong trào học chữ Quốc ngữ, cắt tóc ngắn, bỏ các hủ tục mê tín dị đoan…. Tuy nhiên một số nhà Nho thủ cựu không đồng tình, cho rằng như vậy là phá hoại truyền thống của ông cha. Họ còn làm thơ chế nhạo:
              Văn minh chi chi cắt trọc đầu
              Dần dần rồi cắt cả phao câu
              Văn minh như rứa là văn tối
              Thiên hạ từ xưa có thế đâu
Những năm 70 về trước bọn con nít thường có kiểu tóc để chỏm đào. Con trai thì một chỏm phía trên trán. Còn con gái thì 3 chỏm, một chỏm đằng trước và 2 chỏm hai bên trông rất ngộ nghĩnh.
Thợ cắt tóc khi xưa phải xách tráp đi khắp hang cùng ngõ hẻm, miệng rao: “Ai cắt tóc đây…..”. Thông thường họ kiếm một bóng mát nơi đầu làng, treo gương đặt ghế, nhưng cũng có nhiều nhà muốn thuận tiện đã mời vào nhà cắt cả cho mấy bố con, ông cháu. Cắt tóc đương nhiên sẽ có mục cạo mặt, vì thế bà con còn gọi bằng một cái tên khác là Thợ cạo. Chưa có dao lam như ngày nay, ông thợ cạo phải mài dao thật sắc. Đôi khi sắc quá đã làm lẹm da chảy cả máu.
Khi tôi còn nhỏ, nhớ có một ông thợ cắt tóc tên là ông Mục Khiển. Không rõ tay nghề ông ta thế nào, chỉ biết ông có khá nhiều chuyện. Vừa cắt tóc ông vừa kể chuyện rất rôm rả. Sau này nghe nói ông bị bắt vì tội phản động hay gián điệp gì đó (!). Mãi gần đây trò chuyện với một ông người làng ấy mới biết ông hay sáng tác thơ ca, hò vè, có lúc châm biếm cả cán bộ địa phương. Tội trạng của ông ta chỉ có vậy.
Các kiểu tóc cũng trải qua những bước thăng trầm đến độ bi hài. Những năm 60 trong xã hội chỉ thịnh hành phổ biến kiểu chân phương, trắng mai trắng gáy. Sang những năm 70 xuất hiện kiểu “húi cua 3 phân” học theo lối Trung Quốc, rồi chuyển sang kiểu tóc dài Hip-py. Cho rằng như vậy là tư tưởng học đòi, lố lăng, biến chất, nên công an, đội Cờ đỏ có quyền xẻo tóc của những kẻ như thế để làm trong sạch xã hội.
Những năm 80 thanh niên thường cắt tóc cho nhau bằng kéo. Cắt bằng kéo có lợi thế là mái tóc đẹp tự nhiên và đỡ tốn tiền. Có những tay kéo tài hoa tạo nên những tác phẩm đẹp nên thường được nhiều bạn bè tín nhiệm nhờ vả.
Ngày nay thì chấm vai, húi cua, móng ngựa, sọ dừa, phi-dê, đuôi ngựa, đuôi gà, màu mè các kiểu chả có gì quan trọng. Miễn là nó tiện cho công việc và hài hòa trong cộng đồng.
Nhỏ như cái tóc mà cũng lắm chuyện vậy đấy.    
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

ÔNG HÀNH KHẤT


Trong một lần đi ra Ninh Bình, qua cầu Yên trên Quốc lộ 1 nhìn thấy một ông lão hành khất ngồi bên thành cầu. Xe cộ vụt lao qua, hầu như không mấy ai còn thời giờ nhìn ngó ông lão tội nghiệp. Tôi cứ băn khoăn: Sao ăn xin không đến nơi chợ búa, khu dân cư, đền chùa… mà lại ngồi ở đây kia chứ?.
Lúc giải lao ngồi quán uống nước, bà chủ quán cho biết: Ngày nào ông lão cũng ngồi ở đấy. Ông không ngửa tay xin những người đi đường. Ông kiên nhẫn trông chờ những chiếc xe đón dâu, những chiếc xe đưa  tang. Thế nào họ cũng rải tiền, nhà giàu thì họ rải nhiều, nhà nghèo họ cũng rải, tiền thật hẳn hoi. Và ông là người thu dọn những đồng tiền lẻ kia.
Đều đặn ngày ngày ông ra đấy mai phục, mỗi hôm cũng phải có ít ra dăm bảy đám, chưa kể được bữa tốt ngày thì nhiều.
Đương nhiên cái việc ông làm cũng chẳng mấy ai tán thành. Nhưng xét kỹ ra nó cũng có mặt tốt, đó là bảo vệ môi trường trong lành, sạch sẽ.
Không hiểu sao gần đây tục rải tiền đã trở nên phổ biến. Truyền ngôn nhau là: Tiền cầu phà cho các cụ, tiền cầu may… Nếu quả có chuyện ấy thì các cụ đâu có tiêu tiền thật. Tôi nhớ hồi xưa có người đã phải đi tù về tội xé tiền, hủy hoại đồng tiền. Mặt khác, rải đồng bạc có in hình lãnh tụ để người ta dày xéo lên thì thật quá phản cảm và khó coi.
Đọc tiếp »

CẠC-VI-DỊT



Tôi phải nói ngay là cái mẩu giấy xanh xanh kia do tôi tự làm và đã đưa cho một số bạn bè.
Đừng ai nghĩ rằng cái việc ấy là lập dị, chơi ngông và khác người. Nó chỉ có một mục đích trong sáng và đơn giản là: Để giao lưu và kết bạn.
Tôi không học theo cách của Sếp nào đó đưa Cạc-vi-dít để thể hiện địa vị và đẳng cấp với hàng lô các chức danh, chức vụ đi kèm.
Tôi cũng không học theo cách của mấy Công ty, cửa hàng nào đó dúi Cạc-vi-dít cho khách để quảng cáo, tiêu thụ sản phẩm.
Ai cũng sẽ nghĩ: phải có danh hay có lợi, mưu cầu một cái gì đó chứ chả nhẽ làm không công.
Muốn có danh hoặc nổi danh thì phải có tài. Không có tài mà huyễn hoặc thì cũng giống như con ễnh ương và con bò trong chuyện ngụ ngôn. Còn nói về lợi thì làm như tôi thì không thể gọi là trục lợi hay kinh doanh. Có chăng còn phải bỏ thêm tiền bạc và công sức.
Vậy thì vì đâu mà có ý tưởng này.
Bạn bè, anh em ngồi với nhau nhân nói chuyện mạng mẽo, chát chít, bạn hỏi:
- Ông có Facebook đấy à?
- Ừ! Có đấy! Vẫn vào thường xuyên.
- Thế “Nick” của ông là gì?
      Lại phải lấy bút ra viết nguệch ngoạc mấy chữ, coi chừng tam sao thất bản. Chưa kể viết vào tay thì về rửa tay là hết, viết vào vỏ bao thuốc lá thì về vứt đi là xong.
      Nay có cái mẩu giấy xanh xanh kia chỉ việc trao cho bạn. Rất lịch sự, rất quý mến.
      Trên đó còn ghi cả Email, số điện thoại đàng hoàng. Không quên ngỏ lời cảm ơn trân trọng. Kể ra thịnh tình với bạn như vậy mới là thỏa đáng.
      Nhưng tôi cũng chỉ đưa cho những ai có địa chỉ và thường hay truy cập mạng và Facebook thôi.
      Với những người không có thì đưa cho họ là một sự lố bịch, kệch cỡm và vô duyên.
Tóm lại cái mẩu giấy xanh xanh kia của tôi chỉ có một mục đích trong sáng và duy nhất đó là: Để có thêm một người bạn giao lưu trên Facebook của mình.

Đọc tiếp »

BLOG và FACEBOOK



Hôm trước vào Facebook xem được một phản hồi của một bạn đang là sinh viên tại một trường ĐH ở Hà Nội. Nội dung của nó như một đoạn mật mã với các kí tự tôi không thể nào dịch nổi. Nếu để như thế sợ có người không hiểu, suy diễn này nọ nên tôi đã xóa. Tôi copy nó ra đây để mọi người xem: “Hihi hnay dj choi tu mjh leo chua dog moi bjt cgiac ntn J))).dug la ko bjt dj cho bjt bjt rui chan lun^^hahaha Mk….. ”. Có ai quen đọc hộ tôi với.
Từ hôm ngoài Tết, nhờ có cô em họ, vốn cũng là dân chơi Blog từ khá lâu hướng dẫn thêm, tôi đã tương đối hoàn thiện cái Blog của mình và đưa những bài viết lâu nay vào đó. Bữa nay thì diện mạo của nó coi cũng tàm tạm. Hình thức đơn giản, màu sắc hài hòa, không hoa văn lòe loẹt. Cách thức bố cục hợp lý, có phân chia danh mục rõ ràng để khi cần có thể tìm kiếm theo từng loại chủ đề.
Tôi báo cho cô em biết rằng, sau nhiều nỗ lực cố gắng thì kết quả cái Blog của tôi cũng đã tạm ổn. Có thể coi nó như cái Siêu thị mi-ni xinh xắn, dễ thương được xếp đặt, bày biện ngăn nắp và đẹp mắt. Cô bảo:
       - Em chỉ thích chơi Blog thôi, nó sang trọng, lịch sự và kén khách. Còn Facebook thì không khác gì cái chợ, láo nháo và lộn xộn. Em chỉ dùng Facebook để thông báo, liên lạc là chính chứ ít khi vào.
        Nhưng với tôi thì tôi vẫn giữ quan điểm riêng:
       - Trong đời sống thực thì người ta vẫn phải cả đi chợ và cả vào siêu thị. Mỗi loại hình có một cái đặc trưng và ưu thế khác nhau. Chợ thì bỗ bã, bình dân nhưng có thượng vàng hạ cám. Chúng ta giao du tiếp xúc với đủ các kiểu, người tốt cũng có mà kẻ xấu cũng nhiều. Tôi luôn đi cả hai thứ mỗi ngày.
        Ai muốn đi Siêu thị mời vào blog của tôi. Nó cũng vẫn là những thứ đã trưng ra trên Facebook trước đây nhưng tôi có gọt đẽo lại tí chút. Cái sự  tiện lợi nữa là Blog có danh mục, khi cần muốn tra thể loại nào thì vào mục đó sẽ tìm thấy dễ dàng. Trong Facebook thì các nội dung xếp đống lên nhau sau một thời gian bơi móc mãi vẫn chưa ra.
       Địa chỉ blog của tôi: dangkich.blogspot.com - Và nhân đây cũng nói thêm: các vấn đề trong blog của tôi chỉ là các chuyện lặt vặt thường ngày trong đời sống ta đã gặp đâu đó. Có khi chuyện ngày trước, có khi mới xảy ra, có khi chỉ nghe kể. Tôi coi trọng yếu tố văn hóa và nhân bản nên những con người phiếm chỉ của tôi chỉ mang tính tượng trưng. Cuối phần có cho phép phản hồi tự do, xin chấp nhận cả các ý kiến trái chiều.
       Tôi sẽ rất cảm ơn ai đó vào đọc và cho ý kiến nhận xét về nội dung của bài cũng như hình thức của Blog.  
Đọc tiếp »

TẠI SAO THÍCH ?


Trên Facebook của bạn gái tôi có đưa ảnh và tin về tình hình lũ lụt của đồng bào miền Trung: Hại của và chết người.
Xem xong thấy oán ông Trời ghê gớm, ông ấy ở trên cao nhìn xuống thấy cả mà sao ổng còn cố hành dân bằng việc tưới thêm mưa.
Tôi cũng trách ông Facebook sao ông lại cho cái chữ "Thích" vào đấy để bạn bè tôi nháy vào. Vậy chẳng hóa ra họ cũng đồng lõa với ông Trời hay sao.
Tôi rất hiểu rằng khi bấm vào đó, bạn bè tôi đã khóc cùng đồng bào mình về sự thiệt thòi, mất mát lớn lao do thiên tai gây ra. Vả lại nếu không bấm vào đó thì biết bấm vào đâu để chia sẻ bây giờ? Không lẽ mình là kẻ vô cảm sao?
Tôi đã viết cho cô bạn ở mục "Bình luận" như sau:
- Em ơi! Cho phép anh không "Thích" em nhé! Sao lại thích như vậy được? Anh không thích đâu đấy?
Vậy đó. Có nhiều cái nghịch lý ngay trước mắt ta hàng ngày, dùng nó mãi nên trở thành quen và chai lỳ.
Tìm hiểu thì thấy nếu Facebook tiếng Anh thì họ viết là Like, nghĩa là "Thích, có thiện cảm". Vì thế khi chuyển Việt ngữ người ta cứ lấy nghĩa ấy.
Có lẽ ta phải làm đơn kiến nghị lên Ban Giám đốc Hãng Facebook thay chữ khác. Tiếng Anh ghi thế nào là tùy họ nhưng khi chuyển sang tiếng ta thì chỉ ghi là "Đã đọc" hoặc “Đã xem” - Còn thích hay chán thì cứ ghi vào mục bình luận.
Bạn có đồng ý với tôi không? Có nhiều cái rất thích nhưng chả ai thích cái trò thiên tai lũ lụt, chết người này cả.
Đọc tiếp »

Thích và Không thích



Hồi giữa năm 2013, tôi có đăng một bài “Thích và Không thích”. Nay thì đã có câu trả lời. Trong khi chờ đợi chúng ta hãy xem mẩu tin này trên BBC:
THÔNG TIN CỦA HÃNG FACEBOOK
Facebook đã chế ra một nút 'thông cảm' (sympathise) để thay cho nút 'thích' (like) trong một số tình huống.
Nếu ai đó trên Facebook chọn một tình cảm tiêu cực trong danh sách các trạng thái cảm xúc thì khi đó nút 'like' sẽ chuyển thành 'sympathise'.
Hãng Facebook cho biết rằng họ đang tạo ra nút 'sympathise' trong khuôn khổ một dự án.
Nhưng sau đó lại nói rằng hiện Facebook chưa có kế hoạch đưa nút này ra sử dụng.
Facebook đang tổ chức một 'ngày nghiên cứu lòng trắc ẩn' để công chúng và các nhà nghiên cứu cùng tham gia 'nâng cao hiểu biết của Facebook về điều gì tạo ra lòng trắc ẩn và lợi ích của nó'.
Trong một phiên hỏi đáp có một vị khán giả đã hỏi rằng Facebook có từng nghĩ sẽ thay đổi nút 'like' khi mà nút này trở nên không phù hợp với tình trạng vừa được cập nhật, chẳng hạn như ai đó viết rằng bố mẹ vừa qua đời.
Dan Muriello, một kỹ sư phần mềm ở Facebook, cho biết một kỹ sư khác đã làm việc trong một dự án để thay đổi nút 'like' thành 'sympathise'.
Tuy nhiên nút này không hoạt động trong mọi trường hợp nhưng nếu ai đó đính kèm dòng tâm trạng với một trạng thái cảm xúc cụ thể trong danh sách có sẵn thì lúc đó 'like' sẽ chuyển thành 'sympathise'.
“Rất nhiều người tỏ ra rất hào hứng. Tuy nhiên chúng tôi quyết định rằng hiện nay chưa đúng lúc để đưa sản phẩm này ra” 
Đọc tiếp »

TỰ THOẠI VỀ FB

Có người bảo: Sao cái chuyện ấy trên Facebook ông viết có vậy.
Tôi cười: Mình có phải dân văn chương đâu, thích thì viết và chỉ đủ sức đến đấy, tôi gọi nó là văn vụn. Với lại thời buổi này ai ai cũng bận, hơi sức đâu mà đọc lắm.
Vả chăng tôi lại nghĩ cái gì hơi thiêu thiếu thì còn háo hức, chứ thừa thãi có khi ngán.
Vậy là các mẩu đoản văn của tôi dù chữ to cũng chưa qua nổi trang A4.
Lại có người hỏi: Có phải thơ ông tự làm không?
Tôi phải nói lại lần nữa: Thơ hay và dài tôi không thể làm được. Nhưng thơ con cóc, có tí vần vèo thì thi thoảng tôi cũng võ vẽ. Cái nào do tôi nghĩ ra thì không có tên ai. Bài nào tôi mượn thì gắn tên người đó. Tôi ghét thói "cầm nhầm" lâu lâu thành của mình.
Trong một dịp trà dư, tửu hậu, một người trong bọn đã cao giọng: Cái quân chơi Phây-búc toàn lũ điên, chỉ khoe ảnh ăn chơi nhảy múa, chát chít vớ vẩn, mất thời gian. (Ấy là ông ấy không biết tôi đang chơi Facebook mà nói vậy).
Để cho ông nói thoải mái, chán chê. Tôi mới lựa lời:
- Bác hơi có ác cảm với Phây-búc đấy. Bác nên nhớ rằng hãng Facebook có tới hơn 500 chi nhánh, mạng lưới khắp toàn cầu và xu thế ngày càng phát triển. Thế giới có khoảng gần 2 tỷ người sử dụng nó và vẫn chưa dừng lại đâu.
Tôi xin hỏi bác: Con dao là vật có ích hay có hại? Câu hỏi ấy hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng nó. Nó có thể dùng để thái rau nhưng nó cũng dùng để đi chém người. Chúng ta cần phải có văn hóa mạng. Dân trí cao thì mặt lợi càng được khai thác tối hơn.
Có vẻ bác ấy vẫn chưa tâm phục, khẩu phục lắm và nói chung là nếu cho Phây-búc chết đi được thì càng tốt vì đứa con gái của bác mới vào lớp 10 cứ suốt ngày trên mạng chả chịu học hành gì.
Thưa các bạn! Riêng tôi, tôi vẫn trung thành với chính mình. Tôi chỉ dùng dao thái rau, thái thịt để làm cỗ đãi mọi người hàng ngày. Và tôi xin thề sẽ không vác dao chém ai.
Đọc tiếp »

NỒI LẨU FACEBOOK


Sau một thời gian bỏ công, bỏ sức làm trang Facebook, tự thấy cái trang của mình nó giông giống như một nồi LẨU thập cẩm.
Theo tôi, LẨU ngon là:
* Phải đủ vị: chua, cay, mặn, ngọt…. và vừa miệng nhiều người.
* Phải chuẩn bị đủ thực phẩm để thường xuyên bổ sung.
* Phải nóng và luôn luôn âm ỉ lửa.
Sơ kết lại cái món LẨU bình dân này của tôi cũng chưa mãn nguyện lắm. Có những khi hơi cay, hơi chua và hơi mặn….
Thực phẩm cho nồi LẨU vô cùng phong phú nhưng mình tôi thì đôi khi bất lực.
Tôi xin cảm ơn các bạn đã có gợi ý, cung cấp thêm thực phẩm cho nồi LẨU của mình càng thêm ngon, thêm hấp dẫn.
Phần tôi cố ráng hết sức duy trì lửa để nồi LẨU luôn lăn tăn sôi.
Thưa các bạn! Khi nào mọi người ngấy món này quá rồi và tôi cũng cạn kiệt thực phẩm, cạn kiệt nhiệt tình thì tôi xin cáo lỗi, tạm ngưng món LẨU và Good bye chuyển sang làm cái khác.
Đọc tiếp »

VĂN HÓA MẠNG


Hôm qua đang online trên mạng với vài người quen thì tự nhiên thấy nhảy ra giữa màn hình một con quỷ như trên các truyện kinh dị (cái hình đại diện của hắn vậy mà)
Con quỷ: "Ai đây nha?"
Tôi phản xạ tự nhiên: "Chào ông! Tôi đây"
Con quỷ: "Mày là ai?"
Đến đây thì tôi không chịu được nữa và đành Goodbye vậy.
Tôi vào danh sách bạn bè để tìm con quỷ và thiết lập "Chặn vĩnh viễn"
Còn nhớ cách đây ít lâu tôi nhìn bên Danh sách trực tuyến có tên đứa bạn quen đang màu xanh. Tôi đã chat: "Xin chào"
Nhưng người kia đã trả lời bằng thứ ngôn ngữ không có tiếng:
- ????
Tất nhiên tôi cũng đành phải dùng thứ ngôn ngữ của người câm để trả lời anh (hoặc cô) bạn:
- !!!!!
Hôm sau thì mới biết đấy không phải địa chỉ của bạn tôi. Đành tự an ủi: Không gian mạng mà!
Lại có anh bạn giáo viên ở mãi tận trên Hà Giang mua được chú ngựa con về nuôi. Đi học dưới Hà Nội, qua Facebook hỏi thăm vợ xem ngựa đã lớn đến đâu rồi. Anh ta viết: "Em oi, ngua lon chua?"
Vợ đọc xong phân vân quá !!! Không có lẽ…
Đã đến lúc cần phải mở lớp dạy "văn hóa mạng" rồi các bác nhỉ.
Đọc tiếp »

FACEBOOK và TÔI


Đây chỉ là quan điểm của tôi. Không thuộc số đông. Tán thành hay không tùy bạn.
Facebook là quà tặng tuyệt vời của công nghệ dành cho nhân loại. Nói dại nếu chẳng may một ngày nào đó hãng Facebook mà tuyên bố ngừng hoạt động thì có lẽ thế giới sẽ phát cuồng lên như sắp đến ngày tận thế.
Facebook là trang nhật ký mở của mình để giao lưu, chia sẻ với bạn bè, với mọi người. Nó là bộ mặt của mỗi cá nhân và vì thế nó đừng quá nhem nhuốc. Không ai mang bộ mặt nhem nhuốc ra để tiếp khách.
Nếu cập nhật hình ảnh thì cố gắng chọn những hình ảnh đẹp nhất có thể. Nếu bạn làm được Photoshop thì càng tốt, trang Face của bạn càng lộng lẫy và sang trọng.
Chữ viết cần có dấu, rõ ràng, lời văn cần trong sáng dễ hiểu. Không nên viết vắn tắt quá. Không nên dùng thứ ngôn ngữ chat, thô… Đành rằng giới trẻ rất chuộng lối viết này như một mốt thời thượng bây giờ.
Cuối cùng hãy cố gắng mang nhiều niềm vui đến cho bạn bè. Đừng làm tổn thương người khác. Lời nói như mũi tên bay đi làm sao rút lại được. Sơ sểnh một chút là mất bạn.
Tóm lại là tôi muốn có được một trang "PHÂY" gọn ghẽ, sạch sẽ và đẹp đẽ nhất có thể.
Ai thích thì ấn nút "Thích" nhé!
Đọc tiếp »

CÁI NICK CỦA PHÂY


        Thế giới Phây-búc thật phong phú muôn màu. Cuộc sống như thế nào thì trong Phây-búc cũng có đủ các sắc độ như vậy: vui buồn, xấu đẹp, sang hèn… Và vì thế nhìn vào FB của một ai đó có thể lờ mờ nhận ra chân dung người đó. Đành rằng chưa hẳn, bởi "cái áo không làm nên thầy tu" và có thể nói vậy mà không phải vậy. Nhưng tôi nói "lờ mờ" là có cơ sở của nó.
        Cách đây chưa lâu, có người đã bảo: Cái bọn chơi Phây-búc  toàn bọn rỗi hơi, chỉ thấy khoe ảnh ăn chơi nhảy múa, chát chít vớ vẩn, có gì đâu.
        Nhiều người vì vui quá mà đưa những hình ảnh không đẹp đẽ lên Facebook của mình để chia sẻ cùng bạn bè. Xem ảnh cũng có người không ưng, vì cái cách ăn uống nhồm nhoàm, vì cái cách uống rượu cầm cả chai như phường lục lâm, du đãng.
        Nhiều bạn chọn cho mình những cái Nick nghe thật dễ thương như: "Thỏ con", "Búp bê", "Hoa hồng"…. Nhưng lại có bạn chọn cho mình cái tên mà chỉ mới đọc lên ai cũng phải sởn gai ốc. Nó tục tĩu, giang hồ và có thể nói là hơi láo. Ví dụ: "Bố mày đây", "Tao là tao"…. Tôi không dám viết thêm vì nó rất bẩn.
        Xưa các cụ bảo: "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" thì với những cái tên như vậy, thử hỏi ai dám vào thăm và "Kết bạn".
       Tôi thì tôi thích dùng tên họ thật như một cái định danh phân biệt người này, người nọ. Không có gì tốt bằng sự minh bạch, rõ ràng. Danh chính thì ngôn thuận.
Đọc tiếp »

GIAO TIẾP TRONG FACEBOOK

Hôm trước mấy anh em cùng chơi Facebook với nhau ngồi tâm đắc và sở nguyện về những điều mình đã chia sẻ. Nói chung ai cũng cảm thấy hay, có sự động viên của bạn bè, anh em, đồng nghiệp. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những lời phàn nàn lẽ ra không đáng có. Xin dẫn ra đây để mọi người cùng suy ngẫm.
Có người đã buồn cả tuần vì “Kết bạn” mà không được bạn kết. Nhớ lại năm ngoái tôi cũng gặp tình huống tương tự, sau đó anh em mới hiểu nhau và giải tỏa.  Tôi hỏi lại anh:
-             -  Có thể là người ta bận quá mà ít vào mạng nên không biết.
        - Không phải vậy! Tôi vẫn thấy có bài mới gần đây. Mà tôi với anh ta là chỗ quen biết nhau từ trước. Có phải xa lạ gì mà còn ngờ vực. Tôi có tên, có tuổi, có địa chỉ, có hình ảnh chính chủ đàng hoàng. Tôi giơ tay ra để bắt tay anh, chả lẽ anh lại rụt tay lại. Vậy anh coi tôi là cái hạng người gì.
Tôi vẫn còn chút hoài nghi rằng người kia đã không để ý đến cái nút “Lời mời Kết bạn” ở góc trái màn hình. Và ở đấy biết đâu còn có mấy chục số màu đỏ đang chờ.
Phần tôi, thường ít để ai phải chờ. Khi nhận được “Kết bạn” của người lạ, tôi sẽ vào vào xem Facebook của bạn. Hầu như các bạn đến thăm hoặc kết bạn đều rất tốt, cởi mở, chân thành. Tuy nhiên cũng có vài lần phải chặn vĩnh viễn đấy.
Lại có người kêu ca rằng mình đưa nội dung lên, cũng có nhiều người vào đọc rồi cứ thế lẳng lặng đi ra chả có ý kiến gì. Hôm sau gặp, lại còn tỉnh bơ: “Cậu kiếm được ở đâu cái chuyện ấy”.
Tôi an ủi anh: Không gian mạng mà! Đừng trách họ, quyền riêng tư. Giống như đi Hội chợ ấy, có người họ chỉ đi ngắm không mua thì đã sao.
Nhưng mà theo tôi, thôi không để lại lời bình luận thì cũng nên bấm vào nút “Thích” như một lời chào xã giao cho lịch sự, ấy là cái lẽ thường tình khi đến thăm nhà nhau. Kể ra cái nút “Thích” ấy thay bằng chữ “Đã xem” thì đúng nghĩa hơn vì có nhiều nội dung bấm vào đấy nó vô duyên quá.
Cô bạn tôi cũng có đôi bài thơ đăng trên mạng. Ý tứ xem ra cũng được. Nhưng lại có người chê, có người bình luận đượm vẻ khôi hài. Cô nổi xung lên coi như một sự xúc phạm. Ngôn ngữ chửi được vận dụng đưa cả vào Facebook của mình, chẳng ngán bố con thằng nào.
Tôi mới bảo cô rằng: Phải tập sống chung với lời khen, tiếng chê. Khen chưa chắc đã hay mà chê cũng chưa hẳn là dở. Khen nhiều là họ vuốt ve mình, là làm cho mình huyễn hoặc cứ tưởng tài giỏi quá sinh kiêu. Chê đúng tức là họ quý mình. Tất nhiên cái văn hóa chê này còn phải bàn thêm. Chê sao để người nghe còn tiếp thu được. Kể cả chê không đúng thì mình cũng phải bình tâm. Có thể mất đi một người bạn nhưng đừng để có thêm một kẻ thù.
Lịch sử văn minh loài người thì đã mấy ngàn năm, nhưng lịch sử xuất hiện của Facebook thì còn quá ngắn ngủi, tránh sao khỏi bỡ ngỡ.
          Hy vọng rằng mỗi người hãy tự điều chỉnh để mạng ảo và đời thực luôn luôn hài hòa.
Đọc tiếp »

NUÔI DƯỠNG FACEBOOK



Bạn tôi lập Facebook được mấy tháng nay và chúng tôi cùng nhau kết bạn.
Vào thăm nhà bạn thấy quá đơn sơ và lèo tèo. Vài tấm hình đi thăm thú đó đây. Vài câu thăm hỏi xã giao chiếu lệ. Dường như chủ cũng đã chán "Phây" nên khi vào cứ lóng nga lóng ngóng.
Facebook cũng giống như "mảnh vườn tâm hồn" của ta, cần phải được chăm bón và nuôi dưỡng thường xuyên. Giống như ta vẫn bồi bổ cho cơ thể mình bằng các bữa ăn sáng, trưa, chiều, tối.
Nhưng cũng tương tự vậy, đừng làm nó bị quá tải, bị bội thực bằng việc suốt ngày ta quên đời, mặc sức đắm chìm trong Facebook, quấn quýt với nó như người tình chưa cưới.
Nếu chỉ có mấy tấm hình và các thông tin nghèo nàn đưa lên thì Facebook sẽ nhàm chán và sẽ dần dần úa tàn. Một mình ta đôi khi không đủ sức nếu như không có nhiều người cùng chăm chút. 
Vì thế phải luôn có các bạn bè đến chia sẻ mỗi ngày nếu không thì Facebook sẽ cằn khô như một mảnh vườn hoang.
Cũng phải đôi khi tranh thủ dạo qua thăm bè bạn để thỉnh thoảng họ còn biết lối mà tìm đến nhà mình. Ông bà ta nói rồi: "Có đi, có lại mới toại lòng nhau". Mình cứ đóng cổng, khóa cửa chẳng đến nhà ai thì hỏi rằng mấy ai dám đến nhà mình.
Tôi vẫn buồn vì những thiên kiến của một số người với Facebook. Người lập rồi thì không chăm để nó tự chết. Người chưa lập thấy người đã có toàn những đồ vô bổ thì chán không muốn có nữa.
Nếu như xưa kia có ai đó có khả năng nhìn chữ đoán được tính cách thì ngày nay nhìn vào trang Facebook có thể "lờ mờ" đoán được bạn ảo trên mạng của mình. Bạn chơi với ai? Bạn thích cái gì? Bạn đang vui hay buồn?....
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

TÂM SỰ NGỰA


                        TÂM SỰ NGỰA

                Ta vốn từ xưa bạn với người
                Bây giờ nghĩa cũ thế là thôi
                "Đầu trâu"  thứ nọ ngươi thường chửi
                "Mặt ngựa"  câu này họ vẫn bôi
               “Háu đá…” cái oan tôi chịu hắn
               “Quen đường…” nỗi khổ hắn vu tôi
                Tưởng rằng có học thì khôn lắm
                Nào có ngờ đâu bạc quá trời!

                                         GIÃI BÀY  (Bài tự họa)

                            Ngàn năm kim cổ bạn cùng người
                            Tình nghĩa xưa rày vẫn thế thôi
                            "Xích thố"  lời ca còn vọng mãi 
                            "Ngựa ô" câu hát chẳng hề bôi
                           “Cả tàu bỏ cỏ” tôi tin bạn 
                            “Ruột ấy thẳng băng” bạn nhớ tôi
                           Trung tín đã từng trong khốn khó
                            Cớ chi đến đoạn phải kêu trời!


18 bài họa
1/ Thai Kim Tinh
NGỰA CHIẾN
Tử chiến, hiến da bọc xác người.
Nghĩa tình đến chết, quyết không thôi
Chồn chân ngàn dặm, không quỳ gối
Thẳng ruột suốt đời, chẳng đãi bôi
Mang tiếng "bất kham" vì kén chủ
Gán danh "háu đá" bởi ghen tôi
Công lao lưu lại làng Phù Đổng
Nào dám hý lên sợ động Trời

2/ Bá Tú Nguyễn
CA NGỰA
"Thiên lý" cũng ra mắt mọi người
"Phiêu" bồng chỉ muốn góp vui thôi
"Bạch long" anh dũng không hề kém
"Xích thố" oai hùng chẳng dễ bôi
Danh sĩ "Nê thông" vang tiếng bạn
Nhân tài "Lạc mã" nhỏ lời tôi
Nâng Ly tứ hải giai huynh đệ
Song vĩ tinh khôi rạng đất trời.

3/ Dương Hoàng:
       NGỰA THÁN
Ngựa ta tức lắm hỡi con người
Muốn phá muốn tung nghĩ lại thôi
"Háu đá, quen đường" nhiều đứa chửi
"Đâu trâu mặt ngựa" lắm kẻ bôi
Bao thằng hung hãn so ngang tớ
Mấy ả lẳng lơ ví tựa tôi
Ngọc Đế trên cao Người có thấu
Biết chăng tôi hận phải kêu trời!

4/ Ngô Quang Hùng:
       THÂN NGỰA
Từ xưa Ngựa đã đến bên người
Phục vụ quanh năm chỉ thế thôi
Kỵ Mã xông pha còn rúng rẻ
Thồ hàng vất vả vẫn chê bôi
Đòn roi hét dọa no thân tớ
Kéo củi cày bừa khổ xác tôi
Mã đáo công thành danh bất toại
 Đơn thương độc Mã trách ông trời

5/ Viet Hung Le:
          MÃ THÁN
Vốn phải sinh ra để giúp người
Trâu cày, ngựa cưỡi thế mà thôi
Về khuya, chạy cực còn nghe chửi
Dậy sớm, cày sâu họ vẫn bôi
Kiệu bạc, lều son cho chúng ngắm
Yên vàng, gác tía khổ thân tôi
Than ôi! cố gắng mình làm tốt
Có lẽ nào đâu phải thán trời!

6/ Nguyễn Hoàng:
             THẾ THÁI NHÂN TÌNH
Người nói với ta: Bạn của người
Ân tình cũng một chút mà thôi
"Đầu trâu…" tiếng xấu người vu vạ
"Vó ngựa tung trời" cũng đãi bôi
"Háu đá" người làm tôi chịu cả
"Đường cũ" cầm cương hắn đổ tôi
Đừng tưởng hiền lành mà bắt nạt
Đổi chủ bất kham, ấy mệnh trời

    7/ Thanh Thanh:
    Bài số 1: NGỰA ĐẸP
Thân Ngựa sinh ra để cõng Người
Không cần bàn cãi kẻo lôi thôi
"Ngựa quen đường cũ" Người thường nhắc
"Mã đáo thành công" Họa sỹ bôi
Thánh Gióng oai phong cùng Tuấn Mã
Quan Công lẫm liệt gắn hình tôi
Dù tượng, dù tranh đều rất đẹp
Vó Ngựa đạp tung cả đất trời...

      8/ Thanh Thanh:
Bài số 2: CHƠI TRÒ CƯỠI NGỰA
Chơi trò cưỡi Ngựa, Ngựa là Người
Trước thế, bây giờ cũng thế thôi
Dồn dập một hồi rồi chán ngắc
Nhong nhong vài hiệp cũng chê bôi
"Quen đường" thỉnh thoảng chơi cùng nó
"Háu đá" bất ngờ nhảy với tôi
Lúc Ngựa, khi Người... lên xuống mãi
Ngựa non nó chạy... sướng kêu Trời

      9/ Thanh Thanh:
Bài số 3: BẤT PHÂN THẮNG BẠI
Kỵ sỹ hăng lên cúi rạp người
Ôm bờm thúc vó mãi không thôi
Lâm bồn nào quản lời nhơ trát
Vào cuộc lo gì tiếng xấu bôi
Lợi thế đánh chùy dành phía nó
Sở trường đâm giáo thuộc bên tôi
Bao lần giao đấu không phân định
Có phải là do ý của Trời?!

     10/ Bảo Như:
          NGỰA CA
"Tứ mã nan truy" mới đáng người!
Nào ngờ "quất ngựa" ... Thiệt! Đành thôi!
"Cong lòng" đây dễ đâu ngọt lịm! 
"Thẳng ruột" bụng này không đãi bôi!
Cho dẫu "xem hoa" thường lấy lệ̣.
Vẫn mong "khán nguyệt" cũng là tôi.
Ngày xưa "Xích thố" vang một cõi.
Chừ chẳng than chi ... "Ơi hỡi Trời"!

11/ Thái Kim Tình
 Bài số 1: TỰ SỰ NGỰA
Ta chẳng tiếc chi với mọi người
Buồn vì tài trí kém mà thôi
"Bất kham" tuấn mã đành câm lặng
"Háu đá" ngựa non chẳng đãi bôi
"Đường cũ" quen đi sao trách tớ
"Cả tàu" bỏ cỏ chớ chê tôi
Lưu danh muôn thuở làng Phù Đổng
Giải giáp Ngựa phi thẳng tới Trời

12/ Thái Kim Tình
Bài số 2: TỰ SỰ NGỰA
Nào dám trách chi ông chủ Người
Chỉ lo công cán ít mà thôi
"Trường đồ..." đua sức trò cờ bạc
"Sự cửu..." mới hay thói đãi bôi
"Đường cũ" mấy ai đi khác tớ
"Truy phong" thiên hạ cũng như tôi
Cơ duyên sinh ở làng Phù Đổng
May mắn có khi cũng tới Trời

13/ Dong Hoang:
CAM CHỊU
Tôi vốn thân thương họ với người
Bây giờ nghĩa cũ vẫn thế thôi
Oanh liệt ngàn năm chàng bạch mã
Vang bóng một thời xích thố tôi
"Đường cũ" tôi quen làm việc thiện
"Háu đá" chẳng nề tỏ sức thôi
Giúp người biết phận không ca thán
Oán chịu một mình bạc như vôi.

14/ Khánh Vân Chí Đức
NGỰA NGẪM
Trải bao mặn nhạt bạn cùng người 
Thời thế xoay vần cũng thế thôi
Xích Thố danh thơm nhiều kẻ nhớ
Truy phong tiếng xấu lắm người bôi
Ra vào chốn lạ kinh hàm chó
Xuôi ngược đường quen ngại vó tôi
Nét vẽ "Từ Bi Hồng" (*) dạo ấy
Thảng như nghe tiếng hý vang trời

(*) Từ Bi Hồng họa sỹ vẽ ngựa TQ

15/ Khánh Vân Chí Đức
LỜI NGỰA
Tình nghĩa bao năm ngựa với người
Vẫn còn gắn bó mãi chưa thôi
Tượng đồng bia đá nhiều người tạc
Tranh giấy , sách in lắm kẻ bôi
Cùng chó tháng ngày tình chủ tớ
Với voi một thuở nghĩa vua tôi
Giặc Ân tan tác theo Phù Đổng
Vó sắt tung bay đến tận trời

16/ Nguyễn Đình Nguyên
NGƯỜI NGỰA - NGỰA NGƯỜI
Người ngựa tồn song với ngựa người
Ngày nay vẫn cứ thế mà thôi
Làm thân người ngựa đầy tai tiếng
Làm kẻ ngựa người lắm bác bôi
Bốn phía trông ra sao quá chán
Tứ phương nhìn lại vẫn tớ tôi
Ngựa người người ngựa bao đau khổ
Xa xót kêu van chẳng thấu trời

17/ Dương Hoàng:
      AN PHẬN
Ngựa ta là bạn của con người
Từ xửa đến nay vẫn thế thôi
Mặc kẻ háo danh lời xấu trát
Kệ người bạc bẽo tiếng nhơ bôi
"Đầu trâu mặt ngựa" buông lời hắn
"Háu đá" "quen đường" chỉ mặt tôi
Chẳng bận tâm chi lời mạt sát
Tiếng oan ráng chịu chẳng kêu trời

18/ Thạch Vũ
CHIÊU ĐỘC
Chiến trường da Ngựa bọc thây Người
Hỗn đấu bãi này cũng thế thôi
Kim Thái (1) ra đòn chiêu độc bắn
Thanh Thanh tránh được kế nhơ bôi
Tọa Phây (2) ngắm Ngựa đua chen họ
Nối mạng xem Người đá bạn tôi
Thạch Vũ bất tài không biết đá
Xem hay ngẫu hứng tặng thơ Người

Đọc tiếp »