Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

CHUYỆN CỦA TRẦN ĐÌNH DŨNG

CHUYỆN CỦA TRẦN ĐÌNH DŨNG

          Tôi vừa có cuốn “Chuyện làng thời Hợp tác xã” và đã hào hứng đọc được vài chương. Một thời gian khó, đói nghèo, nhếch nhác cứ lần lượt diễu qua như một cuốn phim tư liệu. Ai đã từng ở thôn quê, sống qua những năm tháng ấy thì đều thấy thấp thoáng bóng mình trong đó. Cảnh bà mẹ đi chợ về lũ con xúm lại lục quà; cảnh đi coi chiếu bóng ngoài bãi; lũ trẻ nít đi hôi cá dưới ao đình… thật sống động, dân dã như chính cuộc sống vốn có vậy. Tác giả cũng là người trong cuộc nên anh cảm nhận khá đầy đủ cung bậc cảm xúc những ngày gian khổ ấy với các ngôn ngữ đậm đặc chất nhà quê. Chỉ có người quê mới có lối nói ấy, lối tả ấy.

          Chúng tôi cũng từng viết bảng bằng đá phấn, bút lá tre chấm mực, ngâm giấy đã viết cho phai mực để dùng lại. Mùa tát ao đã từng đi hôi cá ở ao đình, đã từng chơi bi, chơi khẳng nên càng cảm phục tác giả sao mà khéo mô tả đến thế. Thí dụ đoạn sau đây viết về một bà vợ vừa cãi nhau với chồng:

Mụ khoát vai giằng lại được từ tay lão chồng, mụ càng làm mình làm mẩy Hai bàn chân mụ thi nhau giẫm bành bạch xuống đất, tóc tai bị xổ tung lên rũ rượi. Một lát sau, mụ cắp cái rổ to vào cạnh hông ra hái rau muống chỗ bờ ao cạn. Vừa tong tẩy đi ra, vừa xỉ nước mũi vắt xuống đất xì xoẹt, xong lại chùi hai ngón tay vội vàng vào kheo gót chân sau. Chuyện từ hồi xưa mà nay xem ra cũng cứ đúng y chang, nó là thuộc tính của con người.

          Tuy rằng đói khổ vậy nhưng xét ra thời ấy cũng có cái hay. Trẻ con ham học hơn, mong muốn được học hành tử tế. Cuộc sống nhếch nhác nhưng người lớn thì mạnh mẽ, gân guốc, trẻ con thì luôn có khả năng tự lập: nấu cơm, giặt giũ, đứa lớn trông đứa bé và nói chung rất khuôn khổ.

          Đọc sách như được trở lại cội nguồn lịch sử. Lịch sử không chỉ toàn có chiến thắng hào hùng mà còn có những chương bi ai, buồn thảm nhắc nhở ta đừng bao giờ lặp lại những sai lầm, ảo tưởng, duy ý chí như cha ông  một thuở.

          (Bìa sách do họa sỹ trình bày đẹp nhưng giá như có cái nồi bằng đồng thì có lý hơn vì phổ biến khi ấy là nồi đồng. Nồi nhôm đúc sau này mới có).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét