Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

NGUYỄN BÍNH ĐA TÀI




       Nguyễn Bính tài hoa với những “Lỡ bước sang ngang”, “Người hàng xóm”, “Chân quê”…. mà nhiều người đã biết.
     Còn bài thơ mộc mạc dưới đây là một Nguyễn Bính dung dị, đời thường. Bức thư viết bằng thơ năm 1960 của ông:





                                    Được thư chú gửi về rồi
                           Biết cô đã khỏi chúng tôi thật mừng
                                   Phải nên bồi dưỡng cho thường
                           Người chưa khỏe hẳn cũng đừng xông pha
                                   Cái câu cửa miệng người ta
                          Nhân cường tật nhược quả là câu hay
                                    Nhà tôi từ độ đến nay
                           Cũng làm trận ốm người gầy da xanh
                                     Ho nhiều ngủ chẳng trọn canh
                           Bữa ăn lưng bát thân hình mết mê
                                    Mình tôi quân pháo, quân xe
                           Hết đi chạy thuốc lại về lo cơm
                                    Hiện nay bệnh đã lui cơn
                           Nhưng người còn mệt vẫn còn nghỉ đan
                                    Vẫn còn tiếp tục thuốc thang
                           Phải bồi dưỡng một thời gian mới hồi
                                   Cho nên công việc của tôi
                           Định về quê lại phải lui chương trình
                                   Xếp cho ổn thỏa gia đình
                           Tháng ba mưa thuận, gió lành sẽ hay
                                   Yêu hoa vốn tính xưa nay
                           Chuyện hoa chú dặn lòng này đâu quên
                                   Khi về có tiện đôi bên
                           Sẽ mời cụ Đức bạn hiền về chơi
                                    Việc đồng khi tạm yên rồi
                            Chú nên tranh thủ ra chơi ngoài này.
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

LƯU DỨC CÁCH


Năm thứ nhất, nhóm tôi đang chuẩn bị đi làm thí nghiệm trên khu nhà tầng đổ, đang rất láo nháo và í ới… Bỗng nghe một tiếng: "Huỵch…" nhìn ra sân ký túc xá thì thấy một người mặc quần áo bộ đội đang lồm cồm bò dậy.
Thằng Cách. Lưu Đức Cách, hắn bị ngã vì nhảy xe đạp sai cách. Thái Huy Lĩnh có cái xe đạp Liên Xô to cao mà người thì thấp nhỏ nên không chủ động được tay lái.
Từ đấy mọi người mới biết hắn không biết đi xe đạp và tất yếu cũng không biết cách nhảy lên gác-ba-ga mà ngồi. Thật là một anh Hai Lúa chính cống.
Sau đấy, hắn cuốc bộ với hội bọn tôi và nhờ đó chúng tôi cũng mới có dịp hiểu thêm hoàn cảnh khốn khó của hắn.
Nhà hắn có 3 anh em trai thì 2 anh đã hy sinh ngoài chiến trường. Bố mất sớm, một mình mẹ hắn phải chắt chiu nuôi hắn ăn học. Nhà nghèo túng, xác xơ. Cuối năm thứ nhất đi lao động ở Nam Đàn có dịp vào nhà hắn. Thật đáng thương, trong nhà chẳng có gì đáng giá có thể bán đi kiếm đồng tiền, mẹ hắn thân hình nhàu nát vì lam lũ. Chúng tôi lúc ấy cũng nghèo túng, đói khát và rách rưới cả nên cũng chỉ cám cảnh chứ chẳng giúp được gì.
Cùng quê với Thái Huy Lĩnh, thỉnh thoảng chủ nhật Lĩnh có xe đạp lai về. Chẳng lẽ ngồi nhờ mãi. Từ năm thứ 2 hắn quyết chí phấn đấu để có thể lái được xe đạp. Ban ngày đông người cũng ngại nên phải chờ đến tối. Hai người giữ hai đầu mà cái xe cứ xịu sang một bên. Hắn càng nghiêng người, xe càng đổ mạnh. Bảo được cái tay thì cái chân lại phản đối, cứng đờ ra. Nói chung công cuộc lấy được cái bằng lái xe đạp của hắn cực kỳ gian nan, đoạn trường.
Hắn là một trong những đứa đẹp trai nhất lớp, với cái cười bẽn lẽn, dễ thương rất nữ tính. Có lẽ, hắn mặc cảm về hoàn cảnh gieo neo, túng thiếu của mình nên cũng hạn chế trong giao tiếp. Nghe hắn nói chuyện thì thật sốt ruột vì cái sự ề à, vì sự lẩn quẩn tìm ý, tìm từ… 
Nhưng hắn cực tốt, nhân ái và bao dung, sẵn lòng giúp đỡ bạn. Hắn có thể vui vẻ gianh rửa bát khi cả phòng ăn xong đều muốn đánh bài chuồn.
Hắn chưa hề công kích, trêu chọc một ai và hắn chưa bao giờ cãi nhau với ai. Khi tranh luận hắn thường tự nhận phần thua về mình, không hề cay cú, bực bội.
Con người nhân hậu như thế nhưng gặp lắm tai ương. Ra trường hắn được trên ưu tiên cho về Nghệ An nhưng phải lên miền núi dạy cách xa nhà hàng trăm cây số.
Hơn chục năm sau cực quá, mẹ hắn phải đội đơn đi kêu cứu mãi trên Tỉnh để may ra họ có thương bà mà chuyển cho hắn về quê hương bản quán.
Về đến quê nhà, lấy vợ sinh con, tưởng rằng ổn định, ai ngờ năm 2001, hắn bị đột tử, lặng lẽ ra đi không kịp để lại cho mẹ, cho vợ con một lời trăng trối.
Mới hôm nào nghe tin đó mà nay đã 12 năm.
          Ngày 27 tháng Mười một là ngày định mệnh của Lưu Đức Cách. Tôi đăng bài này xem như một nén nhang cầu mong cho hương hồn Cách an nhiên, siêu thoát để về phù hộ, độ trì cho vợ, cho con; cho anh em, bè bạn.  
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

CÁI BÌNH VÔI

“Đầu trọc long lóc bình vôi
Mẹ ngồi mẹ ỉa mẹ bôi lên đầu
……
Tuổi thơ vẫn nghịch trêu nhau
Mỗi kỳ Tết đến cái đầu trọc lơ
Trái đào vài chỏm lơ phơ
Chuyện ngày xưa, đến bây giờ chưa quên”.

Xưa kia nhiều người ăn trầu nên nhà nào cũng có bình vôi để lấy cái têm trầu. Nó tròn trùng trục, nặng nề và bệ vệ thường làm bằng đá hoặc gốm, trên có quai xách. Có một cái miệng để nạp và lấy vôi.
 Cái bình vôi gần như một linh vật, không được cầm dao, cầm que gõ vào, muốn di chuyển đi đâu cũng phải hết sức nhẹ nhàng. Và đặc biệt hơn các loại vật dụng khác, nó được người đời tôn vinh gọi là ông “Ông bình vôi”.
Mẹ tôi ăn trầu từ lúc còn thiếu nữ, gắn bó với trầu cau, vôi, thuốc suốt cả  đời người. Có thể nhịn đói, nhịn khát nhưng nhất quyết không thể nhịn trầu. Bộ đồ trầu luôn có đủ: cơi để đựng bằng đồng, cối chày để giã trầu, hộp thuốc lào và Ông bình vôi. Bạn già đến chơi đãi nhau miếng trầu là chính chứ ít khi mời nước. Cụ chỉ thôi không dùng trầu nữa vào những năm cuối đời, gần nhắm mắt xuôi tay về cõi thiên thu.
Nhà tôi trước cũng có một chiếc bình vôi để phục vụ việc ăn trầu của cụ. Ông bình vôi ngày nào cũng có việc làm, cái chìa vôi cắm ở đấy khi têm lấy tý vôi quệt vào lá trầu. Có khi vôi gần hết cho vào ít nước lại dùng chìa ngoáy ngoáy dùng tạm. Độ mươi lăm bữa hết vôi, mẹ tôi lại xin vôi vừa mới nung ở cái lò thủ công ngoài bờ sông về tôi và cho vào. Sau nhiều năm cái ruột bình vôi bị đặc lại do vôi bám vào nhưng mẹ tôi chỉ lấy cái chìa nạo nạo cho rỗng to ra để tiếp tục đựng chứ không thay bình khác.
Cái miệng bình ban đầu thấp, sau cứ cao dần do người ta lấy vôi têm trầu rồi vôi rớt dính vào đấy.
Sau này, cái bình vôi ấy chẳng may bị vỡ, tôi định bỏ ra góc vườn nhưng mẹ tôi bảo phải mang ra gốc đa không thì phải tội đấy. Vì thế các gốc đa, gốc gạo thời xưa có rất nhiều bình vôi cũ lăn lóc.
Những năm 80, Ông bình vôi không còn bán ngoài chợ nữa, mẹ tôi dùng một cái tích để đựng. Kể ra cũng tiện, đựng được nhiều nhưng cái linh thiêng của Ông Bình Vôi không còn. Khái niệm “Đầu trọc long lóc như Ông bình vôi” cũng không còn.    
Năm 2000, trong một lần đi tập huấn ở trên Tỉnh, tình cờ vào chợ đồ gốm thấy có bán Ông Bình vôi đời mới nho nhỏ, xinh xinh mua về một chiếc cho cụ. Nó nhỏ gọn hơn, vỏ mỏng hơn, màu nâu da lươn, khó thấy cái “đầu trọc” vì cái quai đã gắn tịt vào đấy.
Hôm rồi đến nhà người quen, trông thấy cái bình vôi hệt như cái ngày xưa mẹ tôi hay dùng. Đặt bên cạnh cái đời mới tôi mua trên Tỉnh sau này, thấy nó khác một trời, một vực.
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

THẦY THUẦN

     Thầy Thuần dạy chúng tôi môn Vật lý Nguyên tử và Hạt nhân. Thầy người Hà Nội, dáng vóc thư sinh, hào hoa, ăn nói có duyên và đặc biệt có khiếu hài hước.
       Môn học của thầy rất khó, toàn những hạt, những vành, những tia, những hố đen…. Nào prô-tôn, nơ-trôn, spin… Không những hạt mà còn có siêu hạt, lại còn những loại hạt không nhìn thấy, không sờ thấy. Phải có thiết bị đặc biệt chuyên dụng mới thấy được. Nói tóm lại là vô cùng trừu tượng và bí ẩn. Thế mà thầy lên lớp cứ như không. Biết bao công thức biến đổi dài loằng ngoằng, với những ký tự kỳ dị như trận đồ bát quái.
       Tuy mệt mỏi như vậy nhưng bao giờ cuối buổi thầy cũng kể một câu chuyện vui. Chuyện thầy kể thường hóm hỉnh, hài hước kiểu Tây.
        Không biết tôi có suy diễn quá không nhưng có người đến lớp chỉ  ngóng cho đến cuối giờ để được nghe thầy kể chuyện (!)
         Xin kể lại một trong những chuyện đó:
        Có hai vợ chồng nhà nọ ra tiệm ăn. Sau khi ăn xong lấy tiền để thanh toán thì mới phát hiện ra là quên mất ví ở nhà.
        Người chồng nói với chủ quán:
         - Xin lỗi ông, tôi để vợ tôi ở đây.   (ý là để về nhà lấy tiền)
        Chủ quán ái ngại nhìn hai người:
         - Chẳng nhẽ ông bà không còn thứ gì để làm tin được nữa hay sao? Ví dụ như đồng hồ hoặc nhẫn chẳng hạn…
          - Ố! Thế vợ tôi lại không hơn những thứ đó ư?
         Chủ quán chăm chú nhìn người vợ từ đầu đến chân rồi nói như người có lỗi:
          - Xin ông hãy hiểu và thông cảm cho tôi. Tôi đã lập gia đình mất rồi. (!)
                       …………..
          Sau này các loại hạt mà thầy truyền dạy thì hầu như chúng tôi quên sạch. Nhưng nhiều câu chuyện thầy kể thì cứ còn ám ảnh dai dẳng mãi. Khi về dạy học ở THPT tôi cũng đã vận dụng khá hiệu quả bài này của thầy.
           Tôi tự gọi đó là phương pháp THẦY THUẦN
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

PHẬT GIÁO NHỮNG CHUYỆN BUỒN

       Đạo Phật đã được truyền bá vào nước ta từ khá lâu. Đến thời Lý, thời Trần thì phát triển cực thịnh. Nhiều vị Thiền sư đã có vị trí quan trọng trong các triều đại.
       Tuy vậy, chẳng phải bây giờ mà từ xa xưa đã có những câu chuyện đàm tiếu về giới tu hành làm tai tiếng đến uy tín của Phật giáo.
        Lúc bé tôi đọc Truyện cười dân gian Việt Nam, có hẳn một mục chuyên về châm biếm các nhà sư. Nào là sư háu gái, sư lằng nhằng với vãi, sư ăn thịt chó…
        Ví như chuyện có chú tiểu nhìn thấy sư đang ăn thịt chó hỏi thì sư cho biết mình ăn đậu phụ. Lát sau có tiếng chó cắn nhau ngoài cổng, sư bảo chú tiểu ra xem. Trở vào chú tiểu khoanh tay bẩm: “Bạch sư cụ! đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa”.
         Trong kho tàng ca dao Việt Nam đã có những câu:
                          “Ba cô đội gạo lên chùa
                     Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
                            Sư về sư ốm tương tư
                     Ốm lăn, ốm lóc để sư trọc đầu…”
        Có thể số này không nhiều nhưng không phải là không có. Chung quy lại là người tu hành cũng có những người không chính quả. Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều vị sư được dân gian gọi bằng cái tên khôi hài là Thích Đủ Thứ.
        Cách đây chừng chục năm, tôi và một anh bạn có việc vào trong Thành phố. Hai anh em đi một xe máy. Vừa ra đến Quốc lộ 1 thì bất ngờ gặp 2 ni cô mặc áo màu gụ ngồi trên một chiếc xe máy, trông cũng khá điệu đà. Hai cô xinh đẹp đến mê hồn, da trắng nõn, môi đỏ tươi, đầu cạo trọc bịt khăn gụ (khi ấy chưa có quy định phải đội mũ bảo hiểm). Cậu bạn cũng ga-lăng đã tăng ga vọt lên coi cho kỹ mặt mũi, dung nhan. Biết vậy nên hai cô cũng có vẻ như thách thức đã chủ động vượt trước. Bạn tôi vốn là một tay lái cừ khôi, nên không đời nào chịu lẽo đẽo theo sau hít khói. Vậy là cuộc đua khá căng thẳng và đầy kịch tính trên suốt chặng đường dài mười mấy cây số. Chỉ khi đến gần cầu Lèn các cô rẽ về chùa mới để lại cho 2 anh em một niềm nuối tiếc. Dọc đường đi chúng tôi nói với nhau: hai em còn nặng nợ trần gian thế này thì khó lòng mà tu cho đắc đạo lắm.
        Gần chỗ tôi ở có nhà hoàn cảnh rất thương tâm. Được một thằng con trai duy nhất, đã học xong ra đi làm thì bị tai nạn xe máy chết. Mẹ nó từ một phụ nữ hoạt bát, năng nổ bỗng như người phát điên, phát rồ. Đi xem bói, cầu đảo khắp nơi, thầy bảo phải sắm đồ lên chùa làm lễ giải oan cắt đoạn.
        Cả gia đình dễ đến chục người tập trung tới chùa để sư làm lễ cho suốt một ngày trời. Hỏi chị ta cho biết chi phí cho buổi lễ hôm ấy tất tần tật hết 25 triệu, trong khi vét vẹt trong nhà được có 5 triệu. Thôi thì thầy bảo vậy cũng cứ phải cắn răng vay mướn để làm cho nó toại nguyện.
       Nhà chùa có tiếng là nơi cứu nhân độ thế mà như vậy với chúng sinh thử hỏi có đáng hay không.
        Lại có chuyện, ở một ngôi chùa kia có cái ao lớn thả cá. Bọn trộm cứ rình mò tìm mọi cách đột nhập để bắt trộm. Không sao được nhà chùa sai chú tiểu làm một cái bảng lớn cắm giữa ao, trên viết mấy chữ: “Ao chùa thả cá. Nhà chùa đã phóng điện quanh ao. Ai xuống bắt trộm cá bị điện giật chết, nhà chùa không chịu trách nhiệm”.
        Ô hô! Ai tai! Mấy chữ TỪ BI HỈ XẢ của nhà Phật các thày đã quên hết rồi sao.

        Năm 2008, có người bạn rủ đi Bái Đính thăm ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Quả là lớn và quy mô chưa từng thấy. Cả một khu vực rộng mênh mông, ngổn ngang những hạng mục công trình lớn bé đang xây dựng dở dang. Dạo một vòng xem các thợ lắp đặt, chụp vài kiểu ảnh rồi về. Dọc đường anh bạn cứ xuýt xoa khen to và đẹp. Tôi bảo: công nhận là to đẹp, hoành tráng thật nhưng mình có cảm tưởng như đang ở trên đất Tàu, các kiến trúc cũng hao hao giống Tàu vậy.
        Bạn tôi vẫn không chịu cho rằng tôi cổ hủ quá, khắt khe quá. Thời bây giờ phải thay đổi tư duy đi. Công nghệ tiên tiến cho phép ta xây những công trình lớn, tầm cỡ quốc tế. Chúng ta cũng phải có cái để tự hào với thế giới chứ…
        Tôi đem chuyện này hỏi một Nhà nghiên cứu văn hóa xem quan điểm của ông thế nào.
         Ông bảo:
   - Đúng như chú nói. Kiến trúc chùa Việt Nam ta thấp và hài hòa, thân thiện với môi trường, tạo nên một sự tôn nghiêm nhưng không xa cách rất gần gũi với cách sống, cách nghĩ của người Việt chúng ta. Nếu làm lớn đến như vậy để đạt được các kỷ lục về to nhất, nhiều nhất thì không hợp với tư tưởng của Phật giáo xưa.  
         Năm 2010 được cơ quan cho đi chuyến du lịch xuyên Việt. Đến khu vui chơi giải trí Đại Nam văn hiến, choáng ngợp trước những công trình kiến trúc đồ sộ trên một diện tích rộng hàng trăm héc-ta. Rất nhiều trò vui chơi lạ lẫm và ấn tượng với du khách. Vườn thú với các con thú khắp năm châu, biển và núi nhân tạo như thật… Tuy nhiên đến khu thờ tự thì thấy không ổn, nó rất to lớn hoành tráng. Không biết căn cứ vào đâu để đặt tượng thờ một số bậc tiền nhân như Vua Hùng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Hồ Chí Minh. Rất ngẫu hứng và tùy tiện. Ừ thì của tư nhân, tôi muốn thờ ai là do tôi, nhưng khó mà phân trần cho minh tích điều này.
          Còn các bài thơ khắc trên các công trình thì… Ôi chao! Nó lẫn lộn giữa thơ ca và hò vè. Nhiều câu nghe dễ dãi, trơn tru và…. tối nghĩa quá:
                                 “Về thăm Văn Hiến trầm hương
                         Nguy nga mười tám triều vương Đại Hùng
                                   Về thăm Văn Hiến Nhị Nùng
                          Khi về chở cả trống đồng hạo nhiên”
        Tôi thầm tiếc công của các ông thợ khắc đá. Giá như tìm được những câu thơ bất hủ mà thế vào đó thì có hay hơn không. Ca dao hoặc thơ mới đều được nhưng phải do những người có chuyên môn chọn giúp. Ở đây toàn thơ của ông chủ nên không tránh được sự non nớt, lặp lại và nhàm chán.
        Những năm gần đây các nơi đua nhau xây chùa. Có nơi dựng lại trên nền chùa cũ đã bị phá hỏng trong chiến tranh, có nơi xây mới hoàn toàn. Việc xây này mạnh ai nấy làm, đã tạo nên những sự cố đáng tiếc như trùng tu Chùa Trăm gian biến một di tích cổ hàng trăm năm chỉ còn 1 tuổi. Hoặc như mấy năm trước nạn chùa giả tràn lan ở khu vực chùa Hương khiến chính quyền phải ra tay cưỡng chế dỡ bỏ. 
       Thiết tưởng xây chùa nhiều, làm chùa to chỉ để phục vụ du lịch, để thu ngân sách, chứ còn chức năng giáo hóa của đạo Phật với chúng sinh thì mờ nhạt. Người ta đến chùa chủ yếu để thỏa mãn cái việc thăm thú, du ngoạn và lễ bái cầu xin. Còn cái Tham, Sân, Si thì vẫn y nguyên thậm chí còn nặng nề hơn.
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

LẠI CHUYỆN NÓI


Tôi có quen biết mấy anh đều là những người học hành giỏi giang, tài trí và thành đạt. Tuy rằng mỗi người mỗi lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhưng ai cũng có một địa vị tương đối trong xã hội. Họ đều là những người sống rất mẫu mực, hào hoa, lịch lãm và sang trọng. Điều này không chỉ là thiên kiến của riêng tôi. Họ lại có một đặc điểm chung là Nói nhiều mà tôi sẽ trình bày ngay sau đây:
Người thứ nhất làm ở cơ quan hay phải đi nói chuyện các nơi. Anh chịu khó đọc sách báo, nghe đài nên có rất nhiều thông tin cần để dẫn dắt cho các vấn đề. Trời cho anh cái khiếu hoạt khẩu nên nói năng trôi chảy, không bao giờ dẫm lại ý tứ đã nêu. Tuy nhiên cái gì độc vị kéo dài cũng gây bội thực, nhàm chán. Hội nghị mà nghe anh nói đến nửa sau thì ngán lắm rồi. Nó dài lê thê, nó buồn rã rời nhưng anh là cấp trên về dự không thể tự ý cắt ngang được. Có nhiều khi anh không cảm nhận được ở cử tọa điều này, thành ra lại cứ hào hứng nói thêm nữa. Nhiều cuộc Hội nghị bế mạc mời anh lên phát biểu, các vị ngồi dưới cứ chốc chốc lại kín đáo liếc đồng hồ vì khi đó kim giờ đang túc tắc tiến về con số 12. Có lẽ đấy cũng là cái bi hài chả biết có khi nào anh tinh ý nhìn lại…. 
Người thứ hai cũng là một người từng va chạm nhiều, quảng giao khá rộng rãi. Ở cái thị xã cỏn con này hình như anh quen biết gần hết. Lĩnh vực nào anh cũng tường tận như là vừa mới bước từ trong đó ra. Và thế là ngồi với anh thì chỉ có mà nghe anh nói, đừng có xen vào, mất công. Tôi thực sự bái phục khả năng thuyết trình liên tục của anh, hàng giờ liền, hàng buổi liền. Hết vấn đề này lại chuyển sang vấn đề khác, rất uyển chuyển và rất linh hoạt như không hề có sự đứt đoạn. Tuy vậy nghe anh nói nhiều tôi ngẫm ra là cũng có nhiều chỗ sai. Vốn đã có câu rằng "năng nói, năng lỗi" mà. Còn tôi xin nghe theo các cụ, uốn lưỡi 7 lần.
Một người nữa học cao biết lắm, nay làm cũng kha khá ở trên Trung ương. Cái việc của anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên vô cùng lắm chuyện. Thôi thì sơn lâm cùng cốc, bên Tây bên Tàu đâu đâu anh cũng có thực tế để cho câu chuyện được bắt đầu. Nghe anh nói tưởng như cả một pho Bách khoa toàn thư đang lên tiếng. Anh không chỉ kể lại mà còn lồng ghép thêm những cảm nhận của riêng mình trước các sự vật, hiện tượng. Đôi khi tôi và anh đang cùng trò chuyện về một cái gì đó, cũng có lúc anh dừng lại hỏi: Ông thấy thế nào?
 Nghe các câu chuyện anh kể, tôi rút ra được rất nhiều điều bổ ích. Tôi có cảm giác anh biết làm chủ và điều khiển được vốn tri thức khá dày dặn của mình. Trong những bối cảnh cụ thể nào đó tôi thấy anh chỉ im lặng ngồi nghe.
Học được cách im lặng của anh cũng không dễ chút nào.
Đọc tiếp »

GỬI PHỤ HUYNH

        





          GỬI PHỤ HUYNH
              (Trần Bá Cơ)


      Mỗi khi người lớn đến trường
Nói năng, trang phục là gương cho trò
      Cũng là cùng với Thầy Cô
Dạy con lịch sự, dạy trò văn minh
      Cũng là chút nghĩa, chút tình
Nhà trường mong được phụ huynh vui lòng

                               VÔ TƯ
                          (Trần Bá Cơ)
                  Hoan hô cô giáo ốm rồi
            Lớp mình lại được ra chơi tha hồ
                  Chiều về ta đến thăm cô
             Ngày mai cô ốm, tha hồ ra chơi

       Nhà giáo Trần Bá Cơ đã tinh ý nhận ra rằng: học trò ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế. Chẳng phải chúng ghét bỏ gì thầy cô đâu, nhưng được chơi, được giảm bớt đi cái căng thẳng của học đường là nhu cầu có thật.
       Chúng ta hồi đi học cũng rứa cả.
       Không biết đến thời đổi mới này nó có khác đi chăng?
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

ÔNG ĐẶNG THỊNH TỰA

      Ông sinh năm 1923 (Quý Hợi), mất năm 1969 do mắc bệnh hiểm nghèo. Các hồi ức về ông trong tôi mờ nhạt. Khi tôi lớn lên ông đã vào tù, ông ra tù năm trước thì năm sau bị bệnh và mất. Nhưng ông lại là thầy học của tôi trong khoảng nửa năm (1961). Chúng tôi học vỡ lòng ABC ở nhà kho của Hợp tác xã. Lớp học ước độ vài chục đứa tập trung lại thầy dạy cho đánh vần, viết chữ để vào lớp 1 (gọi là lớp Vỡ lòng)
      Bài khai tâm đầu tiên tôi còn nhớ là bài thầy bắt phải học thuộc lòng: “Con chim yêu tổ/Như ta yêu nhà/Ai mà phá tổ/Chim buồn không ca….”.
       Đặc biệt nhớ một hôm đến lớp, ông gọi tôi và một cậu nữa lên bảng. Ông hỏi cả lớp: Các em có nhìn thấy cái gì không?
      Ông chỉ vào tôi và cậu kia: Ken mắt này, mũi thò lò này, sáng không rửa mặt này, cổ đầy ghét này…. Và ông cho cả lớp ồ lêu lêu để mà nhớ đời.
       Những năm ấy khó khăn lắm, cha mẹ tôi còn phải lo chạy ăn từng bữa nên những nhếch nhác như vậy là thường.
      Đột nhiên, vào một buổi sáng, ông nói trước cả lớp giọng buồn rầu:
    - Từ nay các em sẽ nghỉ học, trên họ không cho tôi dạy nữa.
 Năm 1963, ông bị bắt đưa đi cải tạo, không rõ tội trạng, không thấy xét xử gì. Giam ở trại giam trên miền ngược Cẩm Thủy. Vợ con cứ vài tháng một lần lại phải đi tiếp tế.
 Những chuyện về ông sau này tôi nghe cha, chú kể lại và đọc trong cuốn HỒI KÝ ĐẶNG TRUNG rằng là người ta nghi ngờ ông có tham gia đảng phái…
Tấm ảnh bên dưới, ông là người cầm đàn Ghi-ta. Đấy là cái chất đặc trưng rất nghệ sỹ của ông. Khi tôi 4-5 tuổi thì thấy ông chuyên huấn luyện cho đội văn nghệ của làng. Ông tập sáo, nhị, đàn bầu cho người khác một cách mê say. Khi xưa chưa có các phương tiện nghe nhìn thì văn nghệ xóm là thứ giải trí độc nhất. Các buổi diễn kịch ở sân kho chúng tôi chui vào cánh gà xem, thấy ông thường đứng sau nhắc vở.
Nghe nói, từ lúc trẻ ông ông đã nổi danh có năng khiếu về văn nghệ và thể thao. Ông biết nghe hát và đánh trống chầu cho ca trù, mà việc này thường rất khó. Ông biết chơi hầu khắp các loại nhạc cụ, từ nhạc cụ dân tộc cho đến các nhạc cụ hiện đại như: ac-mô-ni-ca, ghi-ta, măng-đô-lin… Có những đêm trăng sáng, mát trời ông tự đàn hát cho cả nhà nghe như một nghệ sỹ thực thụ.
Ông còn có khiếu chơi thể thao, huấn luyện thể dục. Năm 1942, ông làm cán sự Thể dục Trung Kỳ tại Huế, dự Trại hè Sầm Sơn. Từ năm 1943, ông đã được tuyển lựa vào lớp Cao đẳng Thể dục toàn Đông Dương tại Phan Thiết.
       Ông tính tình phóng khoáng, hào hiệp, giao du bạn bè rộng rãi. Có thể vì thế mà ông bị cách mạng nghi vấn tham gia hoạt động đảng phái gì chăng?.
 Anh em trong nhà thì bảo: “Cái lão Tựa này nó chơi bời lãng mạn là chính, chứ biết quái gì về chính trị”.
 Ông có tài nhưng cũng có tật, cái tật của những anh nghệ sỹ. Ông được mệnh danh là “phá gia chi tử”. Nhà giàu, cha mẹ làm ăn, buôn bán có tiền ông đã tiêu phá mất mấy lần. Ông không bài bạc, không rượu chè, không vợ nọ con kia. Ông chỉ hào phóng rong chơi với đám bạn cho đến khi nào cạn tiền thì về nhà tu chí một thời gian. Có những lần hết tiền ông vào chùa cạo trọc đầu đi tu. Sư cụ rất yêu mến vì thấy ông thông minh, nhanh nhẹn đã có ý định truyền dạy Phật pháp cho ông.
 Trong tù, thấy ông tài hoa nên cánh giám thị đưa ngay vào làm cán sự văn nghệ giải sầu cho trại nơi miền rừng heo hút. Tuy vậy, những năm ở tù ăn uống kham khổ cũng làm ông suy giảm thể lực. Năm 1967, bà vợ ông bị mất do bom Mỹ, gia đình đã đệ đơn xin ân xá cho ông. Năm 1968 được thả thì năm 1969 ông mất do bệnh xơ gan cổ chướng.
         Ông có 7 người con và hàng chục cháu nội ngoại. Không biết có phải được thừa hưởng cái gien trội của ông hay không mà cũng có nhiều người nổi danh. Anh con trai thứ Đặng Tương Như là học sinh giải Nhất môn Văn miền Bắc năm 1968. Thằng cháu nội Đặng Thiều Quang là nhà văn trẻ khá thành danh hiện nay….
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

LUẬN VỀ CHỮ MAY

      Trong kho tàng từ vựng tiếng Việt có một từ khá phổ biến và rất hay. Nó còn hay hơn các từ khác, vì có nó là có tất cả. Nếu phóng to lên treo trong nhà hoặc đem tặng người thân, bạn bè cũng rất có giá trị.
       Đó là từ MAY.
      Người ta chẳng đã hay nói: may mắn, may phúc, vận may, số may… Nói chung dùng trong nhiều hoàn cảnh đều hay.
      Nhà nọ có người bị tai nạn giao thông. Cũng khá nặng phải gửi lên tuyến trên nằm điều trị cả tháng trời.
       Thế mà có người quen đến chia sẻ vẫn xuýt xoa: Phúc nhà còn may (ý nói là không chết)
       Hóa ra mọi sự đều là may cả. Người ta cũng khéo động viên, an ủi nhau để mà giảm bớt cái sự phiền muộn của gia chủ.
       Ngày xấu ra đường có va chạm mà không sao thì dĩ nhiên là may rồi.
       Nhưng nếu va chạm mà chỉ bị nhẹ thì cũng là sự may (vì không nặng).  Còn nếu bị nặng thì vẫn may là không chết.
      Nhưng giả thử chết rồi thì sao???   Chẳng lẽ lại vẫn là may ư !!!
      Ngày trước có đọc một truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan có liên quan đến từ "MAY", đại để là:
      Có một quý tử đến nhà người yêu. Vừa muốn khoe mẽ với tiểu thư lại vừa muốn lấy điểm với ông bố nên đã xách theo khẩu súng săn. Định dọc đường kiếm vài con chim vào làm quà biếu, khoe tài bắn súng của mình. Khổ thân cậu, hôm ấy bắn mãi chả được con nào. Cậu bèn lập mẹo qua chợ mua mấy con cò người ta đánh bẫy, sau đó  treo lên cành cây giương súng bắn chết.
      Xách vào, cậu hãnh diện lắm, khoe rằng hôm nay bắn phát nào rụng phát nấy.
     Ông bố cứ trầm trồ khen con rể tương lai tài giỏi, thiện xạ, làm cho hai cánh mũi cậu cứ phập phồng, rân rân. Bỗng ông nhìn kỹ, lật đi lật lại con cò đã chết rồi lẩm bẩm:
           - Vậy là anh may đấy.
      Cậu có vẻ hơi tự ái:
          -  Con đã xách súng ra đi là đảm bảo phải được.
       Ông bố vẫn cứ nhắc lại điệp khúc cũ:
          - Thì tôi bảo là anh may mà.
       Ông chỉ vào hai mắt con cò đã bị người bán khâu lại vì sợ nó mổ vào mắt người ta (khi mua chúng, anh đã sơ xuất không để ý)
        Chuyện chỉ để lửng như vậy, chúng ta thử bàn xem kết cục nó ra làm sao
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

TRUNG HOA DU KÝ

      Năm 2008, cơ quan tôi có chuyến đi tham quan Trung Quốc. Gặp nhiều chuyện hay, tôi xin kể hầu các chư vị vài chuyện:
      Mới đến cửa khẩu đã thấy hướng dẫn viên Trung Quốc chờ sẵn để đón và nhận bàn giao khách. Tưởng hắn chỉ biết võ vẽ tiếng Việt ai ngờ lên xe hắn hót như khiếu, hơn bất cứ một ông bẻm mép nào trong đoàn. Hắn còn thuộc cả những câu thơ dân gian:
                 "Không đi không biết Đồ Sơn
               Đi thì mới biết chẳng hơn đồ nhà
                   Đồ nhà bằng cái lá đa
               Đồ Sơn bằng cái bàn là Liên Xô…"
     Ở Nam Ninh hắn đã đưa đoàn đi nhiều nơi, trong đó có "Nam Ninh Đại Dược Đường". Hiệu thuốc lớn, nhà 5-6 tầng lộng lẫy với hàng trăm phòng. Đón tiếp đoàn cực kỳ long trọng. Đúng là các Thượng đế chính hiệu.
     Sau màn ảo thuật bằng mấy tiết mục như cho tay vào sắt nung đỏ, biến gà què thành gà lành… là quảng cáo thuốc các loại. Có một loại thuốc mang tên "Đông trùng hạ thảo" được giới thiệu rất chi là hoành tráng: lấy từ miền cao nguyên Tây Tạng và được bào chế một cách vô cùng cẩn thận, công phu.
     Khách hỏi: Để làm gì? Chủ nháy mắt một cách bí hiểm: Chuyên trị cho các ông "trên bảo dưới không nghe".
      Ông bạn cùng đi với tôi không ngần ngại, xuất túi mua liền một lúc 4 triệu bạc.
       Mấy tháng sau tôi hỏi ông: "Thế nào? Thần dược chứ". Ông cười mếu máo: "Mẹ cha nó. Mất tiền oan". Vậy là tôi hiểu nó vẫn không chịu nghe ông.
      Đến Quế Lâm, cảnh đẹp mê hồn, núi non như ngọc như ngà. Trên sông Li Giang thuyền đưa du khách lướt nhẹ trên sóng. Thợ ảnh phát cho mỗi người một tấm ảnh mầu sặc sỡ ai nhìn vào cũng thích.
       Mở màn, một cô trong đoàn dáng chuẩn, chân dài nhảy lên boong thử một phát. Ảnh có liền sau vài phút, đẹp như tiên sa, lại không quên đề dưới mấy chữ Tàu viết theo kiểu thư pháp loằng ngoằng: "Quế Lâm lưu niệm".
       Thế là các Thượng đế ào lên, ai cũng muốn dung nhan của mình phải gắn được vào cái tiên cảnh "Quế Lâm lưu niệm" kia. Cánh "phó nháy" xoay trở luôn tay, bóp cò lia lịa. Tranh nhau chụp, nếu không thuyền chạy qua chỗ thiên thần ấy thì biết đến bao giờ mới có dịp quay lại…..
Máy kỹ thuật số cá nhân, máy điện thoại được huy động tối đa nhưng dù sao nó cũng không thể đẻ ra ảnh ngay lúc ấy.
         Chỉ với một đoàn khách du lịch, tốp thợ ảnh phối hợp nhịp nhàng với cánh du thuyền thu về một khoản không hề nhỏ. Mỗi ảnh khách trả 20 ngàn nhưng chỉ cần đầu tư mua giấy chưa đến 1 ngàn. Lợi nhuận khủng khiếp.
Trận đi ấy do được nghe những người đã từng qua nói lại, nên tôi quyết chí bóp chặt hầu bao. Tuy vậy đến hôm về kiểm kê lại cũng hao mất hơn 1 triệu chỉ trong có 4 ngày. Tự an ủi mình: đồng đội tiêu 10 triệu, ta có 1 triệu là quá kẹt.
         Chịu thua mấy anh Tàu, móc túi Thượng đế một cách ngọt ngào, êm ái mà Thượng đế vẫn cười phe phé. Lại phải bắt chước cụ Nam Cao, ngửa mặt lên trời cười mà than rằng:
            - Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tàu Khựa!


       Chỉ đi Trung Quốc có 4 ngày nhưng tôi cảm nhận rất rõ tính thực dụng của họ. Họ làm du lịch khá chuyên nghiệp, tìm cách để làm hài lòng du khách và vắt kiệt hầu bao, theo kiểu “không cho chúng nó thoát”.
       Chúng tôi bước vào một khách sạn hạng trung ở Nam Ninh. Ở ngay tiền sảnh đã có khoảng gần chục cô gái trang phục kiểu Tàu cổ, đứng dàn hai hàng chào hỏi. Khi đoàn khách vào, nhất loạt các cô mỉm cười, đồng thanh: “Nỉ mân hảo. Ta chia hảo”  (Chào các anh chị. Chào tất cả quý khách)
       Chúng tôi lên phòng ăn chuẩn bị ăn trưa. Trong khi các tiếp viên đang tíu tít sửa soạn bia rượu và đồ ăn thì thấy một đoàn vũ nữ được giới thiệu là của dân tộc Choang đến phục vụ. Nhạc nổi lên réo rắt, du dương. Họ hát và múa rất uyển chuyển, rất đặc trưng cho phong cách Tàu. Thực khách thấy lạ mắt nên ai cũng nghển cổ lên để xem.
      Họ đãi chúng tôi khoảng 3 tiết mục, sau đó các cô vũ công đi chạm cốc chúc rượu anh em trong đoàn. Thật là một kiểu lưu khách đầy ấn tượng mang màu sắc Trung Quốc. 
      Chúng tôi được dẫn đến một cửa hiệu sang trọng và giới thiệu: Đây là thế giới Trà lừng danh của Nam Ninh.
      Dẫn đoàn vào một phòng lớn, ánh sáng tỏa ra dịu mát, bàn ghế kê hình chữ U. Một cô gái trẻ ăn vận lịch sự theo cách cổ trang bước lên giới thiệu nghệ thuật pha trà và nghệ thuật rót trà. Đại thể là rất thành thạo, rất điệu nghệ không một chi tiết thừa nào, không để nước rớt ra ngoài một giọt nào. Tiếp theo là một đoàn 5-6 cô khác mang trà ra pha, đến tận nơi cung kính mời chúng tôi dùng. Phòng trưng bày của họ có rất nhiều các loại chè nổi tiếng như: Bát bảo, Trân châu, Ô long…. Nhiều người đã mua về làm quà. Giá hơi chát nhưng dù sao cũng là kỷ niệm một chuyến đi.
      Lại sang một phòng khác. Ở đây trưng bày đủ các loại bộ đồ trà như ấm, chén, hộp đựng. Nhớ nhất là cậu Thuyết minh viên giới thiệu một loại ấm chén Giang Tô bằng một thiên tình sử lãng mạn, đại để là:
       “Từ vùng đất Nghi Hưng, thuộc châu thổ sông Dương Tử, xưa kia có một đôi trai gái yêu thương nhau thắm thiết nhưng không lấy được nhau. Họ bị người đời rẽ duyên kẻ nam người bắc. Sau này người ta lấy hai thứ đất sét ở hai bên bờ sông gọi là đất cha và đất mẹ nhào nặn thành một thứ đồ gốm đặc biệt, mịn màng và cứng hơn thép”.
        Nói xong anh ta đặt cái ấm xuống sàn và đứng một chân lên, người xoay tròn để chứng minh cái điều mình vừa nói.
        Tôi chỉ mới đến Nam Ninh và Quế Lâm của Trung Quốc. Chuyện có sao nói vậy, không dám bịa một tý nào.
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

ẢNH SA-PA

       Một bức ảnh mây rất kỳ vĩ, lạ mắt đối với chúng ta đã được một nghệ sỹ nhiếp ảnh chụp tại Hầu Thào (Sa-pa). Vùng đất này chủ yếu là đồng bào người Mông sinh sống. Thung lũng Mường Hoa giờ đây biến thành một sông mây cuồn cuộn dưới ánh mặt trời rực rỡ. Tưởng như nó có thể trào lên phủ kín cả những dãy núi phía mờ xa.
      Ba mẹ con người Mông đang lên rẫy. Cái rét, cái lạnh đối với họ có lẽ chả thấm tháp gì khi mà những đứa trẻ ăn mặc sơ sài, đầu không mũ, chân không dép đang hào hứng tiến về phía trước.
      Ảnh chụp ngược sáng, không nhìn rõ mặt nhưng ta thấy rõ cái phong thái điềm tĩnh, tự tin của nhân vật. Bởi vì họ đã bao đời ở mảnh đất cheo leo này, đói rét và khắc nghiệt nhưng khó mà vận động được họ xuống núi định cư. 
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

BE CỦ HÀNH

Bây giờ thì loại be này rất ít thấy hoặc nếu có thì cũng đã cải biên đi khá nhiều.
Nhà tôi còn vài cái để trên bàn thờ coi như một cổ vật. Nó nhỏ xinh ước chừng chỉ chứa được độ vài trăm ml là cùng. Vóc dáng nó tựa một củ hành nên người xưa gọi là Be củ hành. Nút miệng bằng lá chuối khô.
Lúc ông nội tôi còn trường mạnh thường chỉ dùng rượu trong cái be ấy. Có ai đến chơi mời nhâm nhi cũng chỉ có cái be ấy, hết lại rót be khác. Lúc xưa rượu hiếm nên có ngần này cũng đã là quý lắm.
Be nào thì lại phải chén nấy. Cái chén nhỏ xíu, cầm lọt thỏm trong lòng bàn tay được gọi là chén hạt mít (cũng gọi là chén mắt trâu). Cứ nhẩn nha đối ẩm bằng bộ đồ tửu ấy thì làm sao mà say được.
Có anh kể chuyện tếu táo rằng khách được chủ mời rượu cứ nhìn nhìn mà không dám uống. Chủ hỏi làm sao tôi đã mời mà không uống lại cứ nhìn. Trả lời: Tôi sợ không cẩn thận bị hóc vì chén nhỏ quá (!)
Khách văn chương thì lễ nghĩa, thi phú là chính, rượu chỉ là cái cớ để ngồi với nhau, nói với nhau những câu chuyện thanh tao chỉ có bạn tri âm mới hiểu. Sự uống của các cụ xưa cũng khác, gọi đúng ra là nhắp môi, nâng lên đặt xuống phần nhiều. Xem ra cái uống ấy trọng về chất hơn là về lượng. Có mời hay nài uống cũng là để cầm canh cho câu chuyện chứ không ép phải uống cho cạn chén để rồi lại rót đầy ly.
Các cụ gọi cách dùng rượu vậy là “Tiên tửu”, na ná như kiểu trà đạo vậy. 
Đối nghịch với cung cách ấy là “Tục tửu” của những anh phàm phu, lục lâm thảo khấu, rượu dùng vào bát, uống tu cả hũ mới đã. Uống kiểu như thế các cụ coi là không biết thưởng rượu, không đáng ngồi cùng chiếu.
Ông nội tôi có lẽ uống rượu từ lúc còn trẻ, bữa cơm nào cũng phải có rượu làm đầu vị. Khách đến chơi, mang be củ hành ra mời một vài chén, mấy hạt lạc trong cái lọ thủy tinh được lăn ra đĩa. Vậy là cuộc rượu bắt đầu.
Những năm sau này gần đại thọ chẵn trăm tuổi, ông tôi vẫn dùng rượu. Có điều rượu được ngâm thuốc bắc hoặc cao do con cháu các nơi về biếu. Vì không còn răng nên đồ nhắm thường phải mềm như đậu phụ, gan gà, lạc rang giã nhỏ…. Tay cụ mỗi lần châm rượu vào chén cứ run run. Một be củ hành cụ dùng có đến cả mấy ngày. Tôi định thay cái be khác hiện đại hơn nhưng cụ không muốn, bảo dùng quen lâu nay rồi, cứ để vậy.
Cho đến năm mừng thọ một trăm thì cụ uống ít hẳn và dần dần thôi. Nài uống thêm, cụ bảo đã chán mùi đời. Cuối năm ấy cụ đi.
Khi cụ mất, lúc khâm liệm đưa vào quan, người nhà bỏ thêm vào đồ tùy táng một cái be củ hành.
          Ai cũng nghĩ rằng ở thế giới bên kia cụ thường ngày nhâm nhi với bằng hữu vẫn cái be củ hành ấy.
Đọc tiếp »