Trang

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

ĐÁM CƯỚI THỜI BAO CẤP

Xã hội loài người phát triển đến như ngày nay một phần là nhờ có các đám cưới. Thời xa xưa chả biết thế nào, nhưng từ khi lớn lên, được đi dự các đám cưới thì thấy bây giờ đã khác nhiều so với trước.
Bài này tôi chỉ nói về việc chuẩn bị cho đám cưới hồi bao cấp, khoảng đầu những năm 60 cho đến cuối những năm 80.
Công việc phải lao tâm, khổ tứ trước hết là kiếm cho được người có hoa tay để trang trí, cắt khẩu hiệu. Không thể thiếu hai câu chăng ngang bên hông, thường chữ vàng trên nền đỏ: “Thuận vợ thuận chồng, bể Đông tát cạn” và “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ mới”. Rồi còn: “Hạnh phúc non sông, hạnh phúc nhà. Thắm tình tổ quốc, đẹp tình ta”. Trên phông chính mặt tiền, dứt khoát phải có đôi chim cu cu màu trắng mềm mại, đang gù nhau. Hình quả tim lớn trong đó chữ lồng tên của 2 anh chị được uốn éo, lồng ghép vô cùng cầu kỳ, phức tạp.
Hoa tươi thì chỉ cần đơn giản đúng tinh thần “cây nhà lá vườn”, sưu tầm quanh xóm những mẫu đơn, râm bụt, mào gà…. thế là được.
Còn cái việc đòi hỏi lao động cơ bắp nặng nhọc là đi mượn đồ làm rạp và khuân bàn ghế. Thường trong làng nhà nào có luồng tre chuẩn bị làm nhà thì đến mượn. Bên trên là cót, liếp, xung quanh là các tấm ri-đô hoặc vỏ chăn đủ các màu hoa, xanh, vàng, gụ…. Bàn ghế đi mượn khắp cả làng, cái nào nhẹ còn đỡ chứ vớ phải bộ tràng kỷ bằng lim thì… Ôi thôi! Có anh đi vác bàn ghế nặng quá nó cứ lẩm bẩm: “Sướng mày, khổ tao”
 Nhìn vào hội trường ghế bàn cái cao, cái thấp rất lởm khởm, mượn mang về lại phải sắp đi sắp lại sao cho coi được.
Thời ấy đi đám cưới chưa có tục mang phong bì như bây giờ. Nếu anh em ruột thịt thì giúp gạo, thực phẩm và tiền. Còn phổ biến là tặng phẩm bằng hiện vật như khăn mặt, tã lót, chậu thau, phích nước, ấm chén… Có thể đến mừng mấy câu thơ cũng không sao. Hồi tôi làm đám cưới, có người mừng 2 bánh pháo Bình Đà, coi như một món quà độc đáo được dùng ngay khi đoàn rước dâu về đến cổng.
Trang phục của cô dâu, chú rể rất đơn sơ, chỉ tươm tất hơn mọi người một chút. Cô dâu quần lụa, áo phin trắng, chân đi một đôi guốc đẹp bán ở chợ. Chú rể xơ-vin, dép lốp 4 quai, đầu tóc cắt gọn gàng, chải rẽ ngôi bóng mượt.
Rất nhiều chú rể là bộ đội nên dùng quân phục luôn với đầy đủ quân hàm, quân hiệu. Nhiều chú rất lấy làm hãnh diện vì cái lon nhiều sao của mình. Thi thoảng còn thấy có chú rể đeo lủng lẳng bên hông khẩu súng lục (chúng tôi cứ gọi là cái đùi gà)
Việc rước dâu thời đó cũng dân dã, chủ yếu đi bộ, vài chục cây số cũng đi bộ. Xe đạp sau này thịnh hành thì chọn một cái tốt để chú rể lai cô dâu, phòng có khi xịt lốp.
Trầu cau và thuốc lá phải chuẩn bị khá nhiều. Trầu xanh têm, cau tươi bổ đẹp được người nhà mang đi khắp xóm mời, không dùng Thiếp như bây giờ. Còn thuốc lá thì nhiều vô kể. Những Sầm Sơn, Chu Lai, Cẩm Lệ rồi sau này là Bông Sen. Ai đến đám cưới cũng hút thuốc, phun khói mù mịt. Những nhà không có điều kiện thì mua sợi về quấn điếu rời, bày ra đĩa mời khách.
Cỗ bàn hồi ấy không nặng nề lắm vì nhà ai cũng khó khăn cả. Chỉ có anh em con cháu là tổ chức ăn còn phần lớn bà con chỉ đến chè nước, trầu thuốc.
Nói tóm lại việc lo đám cưới lúc ấy đỡ hơn bây giờ. Đơn giản nhưng cũng vui, ai cũng hồ hởi giúp nhau hết mình.

Để thể hiện sự trang trọng và quang minh chính đại, chủ nhà phải mời cho được ông cán bộ địa phương ở xã hoặc xóm.  
Em-xi đám cưới chỉ là một anh biết ăn nói lưu loát để giới thiệu chương trình, giới thiệu các vị đại biểu thay mặt chính quyền, đại diện của hai họ. Loa đài không có, nói vo là chính. Sau này có loa đài và ác-quy nhưng chỉ có loa nén, nghe cũng ậm ọe.
 Hồi đấy chúng tôi hay đọc bài đồng dao:
“Kính thưa quan viên hai họ
Kính thưa cái lọ lộc bình
Kính thưa bàn ghế linh tinh…”
Dâu về đến đầu ngõ, một tràng pháo đì đẹt nổ vang lên, khói mù trời, xác pháo đỏ tả tơi trên mặt đất. Bọn con nít đổ xô vào nhặt pháo tịt. Người lớn tập trung ra ngõ đón đoàn và chen nhau xem mặt cô dâu.
Sau khi ổn định, mời mọi người trầu nước, mục đầu tiên và gần như bắt buộc là giới thiệu vị đại diện chính quyền đọc Đăng ký kết hôn cho bàn dân thiên hạ nghe. Vị đó tay giơ cao tờ giấy có đóng dấu đỏ như để mọi người cùng mục kích, sau đó hắng giọng đọc to, chậm rãi và dõng dạc. Tôi chỉ nhớ đại khái mấy câu:
“Được sự đồng ý của hai gia đình. Được sự nhất trí của Ủy ban hành chính xã. Quyết định kể từ ngày…. anh….. kết hôn cùng chị…..”
Trong chương trình thể nào cũng có mục dặn dò, huấn thị và giới thiệu chú rể lên phát biểu cảm tưởng. Thường là bối rối các chú rể chỉ lí nhí được vài chữ trong không khí ồn ào, nhộn nhạo. Nhớ nhất là có một chú rể được mời lên nói. Mới được có cái mào đầu: “Kính thưa quan viên hai họ…” thì mặt chú đỏ bừng, đỏ tía và sau đó co cẳng chạy tuông ra khỏi rạp làm mọi người ngỡ ngàng, cười lăn cười bò.
Một phần không thể bỏ qua là Em-xi công bố các loại tặng phẩm đang xếp từng chồng trên bàn, của ai viết tên người nấy. “Ông Nguyễn Văn A. tặng 1 bộ tã lót rất đẹp” , “Bà Lê Thị B. tặng 1 cái xoong nấu bột xinh xinh”…. Mỗi lần đọc xong bên dưới lại một tràng pháo tay chúc mừng. Nói thế nhưng không phải quá nhiều tặng phẩm, vì như đã nói ở bài trước không nhất thiết ai đến cũng phải có. Tôi biết có cụ giáo già, hễ trong làng có đám cưới là cụ tặng mấy câu thơ được viết và trình bày nắn nót trên một tờ giấy màu.
Vui nhất, rôm rả nhất là các tiết mục văn nghệ, cây nhà lá vườn. Thôi thì tuồng chèo, ngâm thơ, hát mới… không cần nhạc đệm. Khán giả nín thở để nghe, để vỗ tay cổ vũ sau mỗi tiết mục.
Thời đó, người ta quan niệm con gái đi lấy chồng thì mặt phải buồn thiu, rầu rĩ mới đúng cách. Vậy nên cô nào mắt cũng đỏ hoe trước khi theo đoàn đưa dâu về nhà chồng. Có cô một tay cứ bám chặt lấy cái cửa buồng, phải gỡ và dỗ mãi mới chịu. Khi ở đám, cô dâu không được cười, phải luôn giữ bộ mặt đăm chiêu, ủ ê. Chẳng may cô nào quên điều này thì làng xóm tha hồ mà đàm tiếu rằng: “Hớn ha hớn hở, rõ vô ý, vô duyên…” 
Cưới xin có vẻ quê mùa, thô ráp vậy nhưng so sánh về độ bền các cuộc hôn nhân thì hơn các đôi bây giờ. Dư luận xã hội phê phán rất dữ dội những người bỏ vợ (chồng), thiếu chung thủy với vợ (chồng) cũng là những rào cản đáng kể với những ai sẵn máu “dê”.
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

ÔNG ĐẶNG THỊNH HUỲNH


Tôi chỉ ở gần ông có hai năm, nhưng thực sự rất có ấn tượng. Ông đi nhiều, biết lắm, kể chuyện hấp dẫn sôi nổi, đặc biệt là óc hài hước
Ông về nhà năm 1965. Năm ấy ông bị hồi hương do gia đình dính vào địa chủ mà thế nào ông lại lọt lưới vào học đại học. Còn một lý do cũng đáng để ông phải về nữa là có một ông anh trốn vào Nam năm 1954 và một ông anh bị đi tù năm 1963.
Thấy ông về lũ trẻ con chúng tôi vui vì được tăng thêm sức mạnh. Ông to khỏe, vạm vỡ, làm cái gì cũng nhẹ như không. Chả biết phải về như vậy ông có chán đời không nhưng bên ngoài vẫn cứ thấy ông cười, cái cười to vang thoải mái.
Thích nhất là buổi chiều mấy chú cháu ra sông đi tắm. Nước thủy triều lên, trong mát và sạch. Ông bơi sang bên kia sông rồi bơi về để chúng tôi bám theo. Cái cảnh ấy giống như con trâu và mấy con nghé.
Tôi mới học lớp 4 chưa hiểu biết bao nhiêu nhưng ông đã giảng giải cho tôi về Kinh tuyến, Vĩ tuyến, về các miền đất lạ trên hành tinh. Nhớ nhất là các chuyện đi rừng với Đoàn thăm dò địa chất của ông, các tập tục lạ lùng của đồng bào dân tộc thiểu số. Giọng ông  vừa trầm hùng vừa ma quái đã cuốn hút lũ chúng tôi.
Vậy là học xong Đại học Bách khoa ngành Mỏ năm 1963, ông chỉ hành nghề được có 2 năm thì bị triệt hồi.
Về quê ông tập làm nông và chăm nom cha mẹ già. Cách làm nông của ông cũng khác người. Ở quê tôi, lần đầu tiên ông gieo hạt giống rau bắp cải, xu hào và thu được thành công. Lần đầu tiên ông đi mua ngỗng về nuôi và cũng thành công. Ông còn đào một cái ao dự định nuôi lươn và ếch.
Đến nhà ông, khách sẽ phải ngạc nhiên về một anh nông dân quê mùa mà đã đọc sách “Những người khốn khổ”, “Truyện ngắn Sê-khốp”… Ông có một tủ sách nhỏ nhưng cũng phải hàng mấy trăm cuốn. Lúc ấy chúng tôi còn bé, không đáng để ông chia sẻ nội dung những sách đó. Rất tiếc sau trận bom năm 1967, nó đã bị phá hủy tan tành.
Ông có một chiếc kèn ac-mô-ni-ca được cất kỹ trong hộp, thỉnh thoảng lại lấy ra thổi. Đầu xuân Bính Ngọ (1966), Hợp tác xã tổ chức đêm vui văn nghệ ở ngoài đình, ông đã lên sân khấu độc tấu bản “Trường ca Tây Nguyên” được bà con vỗ tay nhiệt liệt. Họ còn đòi diễn lại. Sau đấy ông độc tấu tiếp bài “Vì nhân dân quên mình”.
Mặc dù vui nhộn như vậy nhưng ông cũng khá trực tính.
Có một lần, một vị áng chừng là cán bộ vào nhà tôi hỏi cha tôi có bán ngỗng không. Cha tôi nói giá cả của các loại ngỗng trong nhà. Lão ta lên mặt dạy đạo đức  rằng: thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, nặng về kinh doanh thu lợi nhuận… Cha tôi nhẫn nhục cho qua vì ngại va chạm với cán bộ phiền hà.
Khi gã kia đi khỏi thì ông Huỳnh sang. Biết chuyện, ông tức điên lên:
-  Sao anh không sang gọi em. Không thể để cái thói hống hách như thế được.
Cha tôi chỉ cười và gàn ông. Ông mới về nên chưa thể hiểu được thực trạng của quê nhà lúc đó.
Ngày 20 tháng Tư năm Đinh Mùi (1967) ông bị bom vùi và mất khi mới 33 tuổi. Lúc ấy vợ ông vừa có thai được 3 tháng.
Nay Đặng Thịnh Phong, con trai ông đang cùng cả gia đình làm ăn và định cư tại Tây Nguyên.
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

NGHĨA ĐỊA CHÓ

   Năm ngoái tôi đi Hà Nội có việc, gặp một chú em, qua câu chuyện được biết nhà chú mới bị chết con chó quý. Ngạc nhiên hơn là chú đã đưa tới nghĩa địa chó để an táng với chi phí 2 triệu đồng. Đoán được sự phân vân của tôi trước sự kiện lạ lùng này, chú bảo: "Chốc nữa đi với em".
     Tò mò tôi nhận lời. Dọc đường dừng lại mua ít vàng hương.
     Trên con phố Trương Định người xe chen chúc, đến ngõ 167 thì đi sâu vào trong. Qua phòng trực có một nhân viên. Chúng tôi đăng ký tên họ, ngày giờ và được vào tham quan. Nghĩa địa chó rộng cả ngàn mét vuông với bạt ngàn mộ chó. Khác với mộ người xây hoành tráng thì mộ chó chỉ đơn giản có mấy hòn gạch vồ quay ngang quay dọc. Trên mộ có bát hương, đàng trước cắm cái bia ghi tên chó và địa chỉ của chủ nhà. (Trên ảnh chỉ chụp được một góc nghĩa địa thôi đấy)
      Chưa hết chúng tôi còn đến thăm "Khách sạn chó". Nơi đây giành cho những chú chó mà chủ nhân đi du lịch, đi công tác dài ngày, ở nhà không có người chăm sóc.
Vào đây, chó được nuôi dưỡng và thú y đầy đủ. Thường xuyên có các nhân viên và bác sỹ thú y trông coi, tắm rửa, cho ăn và khám bệnh. Đương nhiên là chủ phải đóng phí, có pa-rem bảng giá hẳn hoi.
       Phía bên kia là bảo tàng chó, sân khấu biểu diễn xiếc chó, nơi thi hoa hậu chó….
Chủ nhân của Nghĩa địa chó cả ngàn mét vuông ấy không là ai khác mà chính là ông nhà thơ dân gian Bảo Sinh mà ta đã từng nghe thơ ở đâu đó vài lần. Chính vì vậy ông được bạn bè đặt cho một tục danh là "SINH CHÓ"
      Tóm lại là có thật một chuyện như vậy.
       Người ủng hộ thì bảo:
       - Phải thế chứ, con chó nó là bạn thân thiết của người, đối xử với nó cũng phải như người thì mới không cảm thấy áy náy lương tâm. Bên các nước họ có từ lâu rồi. Không tin về cứ mở Google ra thì biết.
      Phe phản đối thì khăng khăng:                               
        - Chỉ rỗi hơi, chắc là thừa tiền chả biết tiêu gì nên mới động điên như vậy. Cái món chó này kết cục chỉ có riềng, mẻ, húng là hợp lý nhất. Các cụ đã tổng kết rồi: "Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có mà ăn"
       Tôi thì tôi cho rằng những người chủ xướng việc này họ muốn cảnh tỉnh nhân loại đấy:
        "Người đối với người mà không bằng đối với một con chó. Thế thì có đáng làm người nữa hay không?" !!!
Đọc tiếp »

BẮT RƯỢU LẬU



Bà cô tôi kể lại một câu chuyện từ cách đây hơn nửa thế kỷ, thấy hay hay ngồi chép lại:
Cuối năm, nhà ai cũng phải có be rượu cúng trên bàn thờ gia tiên, sau nữa là mời khách trong ngày Tết. Hồi ấy có quy định cấm nấu rượu của Nhà nước, quy định này được chính quyền các địa phương thực thi rất nghiêm ngặt. Nhà nào nấu rượu lậu sẽ bị tịch thu toàn bộ tang vật gồm bộ đồ lề nấu rượu và các chai rượu là sản phẩm vừa ra lò, người vi phạm bị gọi về Ủy ban xã kiểm điểm, cảnh cáo và xử phạt hành chính.
Năm ấy, rượu hiếm chỉ được phân phối có mỗi nhà nửa chai rượu mía Quốc doanh. Để có đủ đi tết bên nội, bên ngoại, cô tôi đã mua men về và tự nấu lấy. Cô khép cửa lại, nấu rượu lậu trong buồng, yên trí là sẽ trót lọt. 
Chẳng may, ma xui quỷ khiến thế nào lại có một ông người làng, vốn là một cán bộ xã, đi ngang bất ngờ rẽ vào chơi. Hôm ấy rượu lại được nước đang tong tong chảy vào chai, mùi thơm lan tỏa ra khắp nhà. Cô tôi luống cuống chưa biết ứng phó ra sao.
Vị cán bộ nọ đi khỏi thì lát sau có 2 công an (ở xóm khác) chạy đến sừng sộ:
-  Nhà chị kia, nấu rượu lậu. Chúng tôi có tin báo. Đề nghị cho kiểm tra ngay.
Cô tôi chối đây đẩy rằng không có chuyện đó, chắc các ông nhầm, không tin cứ kiểm tra thì rõ.
Họ xông vào buồng. Kỳ lạ thay không hề có một vật dụng nào có liên quan ở đấy, kể cả đến một cái chai đựng rượu. Một ông khác lấy tay xoa xoa lên mặt đất hãy còn nong nóng cứ căn vặn:
-  Chị vừa nấu rượu đây mà còn to mồm à! Tại sao đất chỗ này đang còn nóng?.
Cô tôi càng làm già:
- Hôm qua rét quá tôi đốt lửa để sưởi cho mẹ con tôi, sáng nay mới dọn thì nó còn nóng chứ làm sao.   
Đi khám xét quanh quẩn xung quanh nhà không tìm được chứng cớ nào cụ thể, 2 viên công an xóm đành phải hậm hực đánh bài chuồn. 
Thì ra khi vị cán bộ nọ đi khỏi, linh cảm báo cho cô sự chẳng lành. Cô đã dọn dẹp, cất giấu và mang toàn bộ sang cái ao phía sau nhà dìm xuống đó, rồi phủ bèo tây lấp đi. Sau khi yên hàn mới xuống vớt lên.
Cô tôi còn cho biết thêm: Cái ông cán bộ ấy, tưởng là trong sáng lắm, hóa ra tết nào ông ta cũng nấu rượu, nhưng nhờ một người em gái nhà ở cuối làng làm hộ. Sau này người em mới kể chuyện lại. Hài thật!
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

VỊNH CÓC - 9 BÀI HỌA

Xấu xí nhưng đây cậu của Trời
Cớ sao oan uổng đã bao đời
Sách nhăn cóc gậm - Nghe mà ức
Thơ dở ta làm - Thấy chẳng xuôi
Mở mắt trông ra đồng nắng hạn
Nghiến răng gọi đến trận mưa rơi
Này này, tớ nói cho mà biết
Tớ chẳng cần chi lũ các người

-------------------------------------------------

       Thoạt đầu chỉ là một bài thơ rất vớ vẩn của tôi mượn lời Chú Cóc, một sinh vật vốn nhỏ yếu, thấp cổ, bé họng để dãi bày. Không ngờ mọi người đã hưởng ứng nhiệt liệt đến độ chỉ sau một ngày có đến 9 bài họa lên mạng. Mỗi người mỗi ý, ai cũng như một trạng sư bào chữa cho Cóc, tôn vinh Cóc là cậu ông Trời, ấy thế mà phải chịu nhiều oan ức, thiệt thòi.
        Qua đây tạm kết luận: Đừng coi khinh những con người nhỏ bé, lầm lũi. Họ không nói gì không phải là họ không biết nghĩ. Khi họ nói coi chừng mây dồn, chớp giật…

9       bài họa

1/ Gió Bụi Hồn Thơ
KHÓ PHÂN TRẦN
Cóc đây thân hạ chẳng thân người
Chỉ biết nghiến răng cảnh báo đời
Ầm ỹ trời van đừng trách ngược
Tràn trề biển nước chớ than xuôi
Mồm dơ ta chịu sao cười nhạt
Lưỡi bẩn người đeo lại khóc rơi
Hữu ngoại cao thiên lòng khó tỏ
Tri nhân ảo diện dạ phân người

2/ Dinhnguyen Nguyen
CHUYỆN CÓC
Cóc xấu thì ta vẫn cậu trời
Cóc đây thách mọi thứ trên đời
Thầy kia dạy dốt kêu đồ cóc
Trò nọ học ngu bảo cóc xuôi
Lỡ hẹn không làm thì cóc thiết
Lo xa chẳng được cóc còn rơi
Vần thơ ngớ ngẩn, thơ con cóc
Cóc chẳng cần chi đến mấy người

3/ Nhuy Gialai
CÓC GIÀ TỰ SỰ
Vốn dĩ ta đây cậu của trời
Trần gian một cõi đã bao đời
Áo cơm nặng nợ đòi mưa nắng
Thơ thẩn vui buồn cứ ngược xuôi
Bạn hữu ít người tâm nguyện giữ
Thế gian lắm chuyện lệ còn rơi
Trời cao mấy tấc không thèm chấp
Chỉ sợ cô đơn cóc với người...

4/ Nguyễn Trọng Liên
TIẾNG VE MÙA HẠ
Buồn nghe tê tái cả khung trời
Đốt lửa nhân gian đã mấy đời
Nhả nước để làm đau vệt nắng
Phun hơi cho nhức lá buông xuôi
Ghen mắt đỏ quầng hoa phượng nở
Thèm môi bạc thếch cánh bàng rơi
Lòng rỗng kêu chi mà ruột thắt
Lưu bút nhòe cay nước mắt người…

5/ Bảo Như
CÓC CON GÓP CHUYỆN
Tớ cũng nghe đâu xưa cậu Trời
Bây giờ thì thiệt cũng cha đời
Tớ mà̀ “cóc chịu”... Mần thinh tuốt
Mặc kệ – “cóc màng”, ai nói xuôi.
“Cóc nhớ” có điều... Hong ngủ được
“Cóc thương” mà lệ cứ sầu rơi?
Tớ mà nói được: “cóc cần” á!
Nhưng vẫn ước ao cóc hóa người ...

6/ Dương Hoàng
CẬU ÔNG TRỜI
Ta thường bảo Cóc cậu ông trời
Răng nghiến kêu mưa suốt cuộc đời
Nắng cháy héo tàn khắp ruộng ngược
Hạn khô nứt nẻ cả đồng xuôi
Dân cày kêu cứu Cóc bèn gọi
Ngọc Đế lệnh truyền mưa lại rơi
Nhân thế bao đời luôn nhớ tới
Công ơn Cậu Tía với con người

7/ Ngô Quang Hùng
CÓC TIÁ
Đã từng vác sớ kiện lên Trời
Cóc tía lì gan chịu tiếng đời
Chẳng biết bon chen tuy ngỗ ngược
Không màng danh lợi để buông xuôi
Văn thơ xướng họa ta cóc biết
Thế sự nhân tình tớ bỏ rơi
Ếch, Nhái, Ễnh ương cùng một họ
To gan có tiếng được bao người

8/ Thái Kim Tinh
LẠI CHUYỆN CÓC…
Đã lỡ mang danh cậu của Trời
Ráng làm gì đó... giúp cho đời
Nếu chẳng khiến Thiên Thời đảo ngược
Thì đừng làm Hạ Thế buông xuôi
Chẳng nỡ mắt giương nhìn nắng hạn
Nên đành răng nghiến gọi mưa rơi
Bề ngoài xấu xí, ai ưa Cóc
Sắp cháy đồng khô, mới nhớ ngươi

9/ Nguyễn Hoàng
VỊNH CÓC
Chẳng hổ danh thơm tiếng cậu Trời
Nghiến răng quát nạt bắt mưa rơi  
Làu thông kinh sử nhàu trang sách 
Ngẫu hứng thi ca đẹp nết người   
Mấy cái nhọt lành kêu mụn cóc       
Ngàn vàng vôi phết thả trôi xuôi 
Tiên Dung còn bén duyên Đồng Tử 
Truyền thuyết truyền lưu ở cõi đời 


--------------------------------------------------
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

NHỮNG NGƯỜI CÂM

     NHỮNG NGƯỜI CÂM TÔI BIẾT

Họ là những người khuyết tật về tiếng nói (Phần nhiều do bị điếc bẩm sinh nên bị câm).
Những người câm thường có những mặt vượt lên hơn người bình thường do phải nỗ lực nhiều hơn so với đồng loại. Có người tạo dựng được cuộc sống khá sung túc.
Quê tôi có một người câm điếc từ nhỏ, cái khuyết tật của ông được gắn luôn cho cái tên: Ông Đồng câm. Chỉ nhìn ngoại hình không ai biết ông là người câm. Cao ráo, khỏe mạnh và trông rất nam tính. Thời thanh niên ông cũng ăn diện như mọi trai làng khác. Ngày lễ tết ông vận áo sơ-mi trắng xơ-vin cẩn thận, tóc rẽ bồng ngôi điệu bộ, chân đi dép xăng đan. Ông cũng thích con gái đẹp, lúc nhỏ chúng tôi cứ chỉ vào các cô đó để trêu ông, ông lại cười tít cả mắt. Tuy nhiên các cô không hiểu hết được ngôn ngữ của ông nên chỉ đùa đùa tý rồi lảng. Sau này cũng có người cảm mến ông mà lấy, ấy là người có hoàn cảnh nhỡ nhàng. Ông là người sống rất tình cảm, biết cư xử với vợ con và nói chung biết điều trong mọi lẽ ứng xử.
Ông thạo nhiều việc, toàn những việc đòi hỏi phải có kỹ năng tỷ mỉ như: đóng cối xay, cắt tóc, thợ mộc, thợ xây…. Chỉ chuyên chú cho công việc nên ông không bao giờ làm ẩu, làm cho xong chuyện.
Có lần nhà tôi sửa cái bếp, mời ông giúp. Ông ra hiệu nên tận dụng lại các cánh cửa cũ vì gỗ đang tốt. Bà vợ đánh hồ chưa kỹ ông bắt làm lại cho kỳ được.
Ông có hẳn một hệ thống tín hiệu riêng rất độc đáo, đa dạng, hầu như chỉ có vợ con hiểu. Muốn nói về người con trai, ông lấy tay gạt tóc (ý là cắt tóc). Muốn nói về con gái ông vành tròn trên đầu (vì các bà thường hay vấn tóc)…. Còn những khái niệm khác trừu tượng hơn thì vợ con ông dịch hộ.
Ông thật thà, chắn vén nên ai cũng mến, nhờ ông làm cái gì là yên tâm để ông tự làm không cần phải đôn đốc. Chỉ có điều hiểu được ý của ông rất khó. Mỗi lần như vậy ông phải gồng mình lên giải thích vô cùng nhọc nhằn: miệng ú ớ mu mơ, mắt mũi nhăn nhúm, tay chân thì khua khoắng làm các động tác diễn tả. Ông toát hết cả mồ hôi mà vẫn không ai hiểu được, đành bất lực ngồi châm thuốc lào hút. 
Tôi còn biết một cậu bé câm khác ở gần nhà. Nó nhanh ý nên nhìn người khác làm mà bắt chước rất tài. Máy vi tính khó thế mà nó học mót làm được khối việc. Còn ti-vi, điện thoại thì khỏi phải nói, chỉnh chọt gì nó bấm nhoay nhoáy. Bố nó cho đi học may để có thể kiếm cơm nuôi thân sau này. Thày dạy may khen nó học sáng dạ, lại chuyên cần. Chẳng mấy chốc tay nghề của nó đã vào loại khá. 
Cũng ở làng bên có cậu thanh niên rất to cao, đẹp trai nhưng bị câm. Học hết cấp 1 cậu ta chán và thôi học. Mẹ cậu xin cho cậu đi học nghề hàn cửa sắt. Nay cậu đã làm thành thục và có đẳng cấp. Chủ mến cậu về phong cách chấp hành giờ giấc nghiêm chỉnh, bất kể nắng, mưa, giá rét. Đến xưởng cậu mang đồ nghề ra làm ngay, không kề cà, trà nước như những anh khác.
Mẹ cậu bảo hàng tháng lĩnh lương chỉ giữ lại dăm trăm còn bao nhiêu đưa cho mẹ để sau cưới vợ, làm nhà. Về khoản vợ con nghe nói cậu cũng kén lắm. Chỉ thích những cô nàng xinh tươi, vậy nên rất nhiều cô vây quanh nhưng cậu vẫn chưa chịu chấm ai.
Ông bạn tôi cũng không may có đứa con gái bị câm điếc từ nhỏ. Bà vợ ông khi có thai do sốt cao nên biến chứng đã ảnh hưởng tới thai nhi. Con bé khá xinh xắn lại ngoan ngoãn. Nó lẽo đẽo theo học hết cấp 1 rồi lên cấp 2, chữ viết đằng tả, ngay ngắn, rõ ràng. Lên các lớp cao hơn nữa nó đuối sức, có lẽ chả hiểu gì nên chán và thôi học. Ở nhà mọi việc nó lo toan chu tất. Từ việc chợ búa cho tới cơm nước không phải xắng nó cũng chủ động đâu ra đấy. 
Vậy là bù vào khiếm khuyết của tiếng nói, những người câm đã vươn lên vượt trội so với nhiều người lành lặn.
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

CŨNG LÀ VỀ CÕI THIÊN THU

    Đưa tiễn một người từ giã cõi trần về chốn thiên thu, ta mang theo cảm giác tiếc thương, ấy là lẽ thường của nhân thế trên khắp hành tinh này.
      Nhưng đôi khi cũng có những bất thường mà cách đây ít lâu tôi có dịp chứng kiến.
       Anh bị bệnh xơ gan cấp, phải đưa đi Hà Nội điều trị khá tốn kém. Trước đây cậy sức khỏe hơn người anh uống rượu không cần phải kiêng dè. Vợ anh có nhắc nhở về chuyện ấy là bị anh trấn áp ngay. Vào cái tuổi ngoại ngũ tuần rồi, bệnh mới vãi ra. Tuy nhiên cũng do khỏe sức mà anh chỉ nằm viện có vài tháng là khỏi. Thoạt đầu về nhà anh kiêng rượu, bạn bè bảo: cũng phải biết sợ chết chứ. Trong các cuộc giao lưu anh từ chối với lý do đang dùng thuốc.
      Nhưng rồi cái con ma rượu nó chẳng tha anh. Chỉ độ nửa năm sau, anh lại phong độ như xưa, thậm chí còn hơn. Vợ con ngăn, anh chửi. Bạn bè tử tế khuyên can, anh bỏ ngoài tai. Đình đám nhiều, rượu bia lắm anh bị lại. Lần này thì tốn kém, vất vả hơn nhưng bác sỹ cũng đành lắc đầu ngao ngán. To khỏe như thế nhưng khi chúng tôi đến thăm, anh tong teo như con chẫu chuộc. Chân tay nhỏ, bụng chương ễnh, da bủng beo. Anh suy sụp hẳn về tinh thần, rất ân hận về cái sự ẩm thực bừa bãi thời hoàng kim của mình.
      Nơi tôi ở có một ông cụ bị tai biến não nằm liệt giường mấy năm nay. Khi mới bị, gia đình cũng đưa xuống bệnh viện huyện, đơ đỡ mới đưa về nhà. Con đông nhưng kinh tế chúng cũng hèn kém cả, làm không đủ ăn, lấy đâu ra mà chu cấp cho cha mẹ. Ban đầu còn có chạy đi chạy lại, dần dần mỏi mệt chán. Thành ra chỉ còn mỗi bà cụ lo hầu hạ là chính. Đến lúc bà cụ cũng oải, đành mặc kệ muốn ra sao thì ra.
      Phụng dưỡng thiếu thốn, thuốc men không có, vệ sinh qua loa nên vào chỗ ông cụ nằm, hôi hám không thể tưởng tượng được. Đứa con gái bị dân làng nói rát mặt quá, chống chế: ngày nào tôi chả sang dọn, nhưng ông bị như vậy thì làm sao được.
Khi cụ về với tiên tổ, nghi lễ cũng làm theo thông lệ như mọi nhà. Nhưng trong phần Điếu văn tôi vẫn thấy có đoạn: “Các y, bác sỹ đã tận tình cứu chữa. Anh em, con cháu đã ngày đêm hết lòng, hết sức chăm nom thuốc thang….” Nhiều người tới dự đã khịt mũi cảm thấy cái bài ấy như mượn ở đâu về.
      Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, an ủi để cho hương hồn người quá cố ra đi được mát mẻ nơi cực lạc mà nói những lời hoa mỹ, khêu gợi cái sự xót thương của thân nhân cũng như cộng đồng.
      Lại cũng có những cái chết mà ngay đến người thân cũng không cảm thấy đau buồn huống chi làng xóm. Ấy là một trường hợp xảy ra ở quê tôi. Tay này rượu chè, trộm cắp, gây gổ… đủ thứ xấu trên đời. Cô vợ sinh ra chỉ để cho hắn hành hạ, đánh đập như súc vật. Đầu tắt mặt tối đi làm thuê, làm mướn nhưng được đồng nào là hắn ta lục túi để dốc vào chai rượu.
      Thế rồi trong một lần cãi vã, xô xát với láng giềng hắn bị ngã và chết. Vợ con hắn cũng khóc hờ mấy câu cho có nghĩa, cho vong hồn hắn đỡ bớt phần cô quạnh.
       Thế đấy, chuyện đời có những khi buồn thảm vậy đấy. Tôi lại nhớ đến một lời bình khi quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ông đã để lại cho chúng ta một bài học rằng hãy sống thế nào để đến khi chết còn được hậu thế tiếc thương”
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

ĐỀN RỒNG


                               Về đền Rồng ngỡ như lạc bước
                               Non xanh xanh, nước cũng xanh xanh
                               Cổ nhân khéo chọn đất lành
                               Dựng đền, tô tượng, xây thành, đúc chuông

                               Nơi linh khí muôn phương hội tụ
                               Nơi sơn thanh thủy tú là đây
                               Thánh đường ẩn giữa ngàn cây
                               Chim kêu đầu núi, mây bay cuối ghềnh

                               Đệ tử khắp mọi miền chiêm bái
                               Chốn tôn nghiêm tĩnh tại tâm hồn
                               Trở về sâu thẳm cội nguồn
                                Không còn đố kị, giận hờn, bon chen

                               Dân chọn Đấng Tối linh thờ phụng
                               Với ước mong cuộc sống yên lành
                               Trừ tà, diệt ác dưới trần
                               Phật Tiên phù trợ, Thánh Thần ra tay

                              Mong được thấy oan sai giảm bớt
                              Để muôn năm đất nước phồn vinh
                              Để dân lại góp sức mình
                              Dựng đền, tô tượng, xây thành, đúc chuông

                              Lại có dịp hành hương đất thánh
                              Lại về đây vãn cảnh Đền Rồng
                              Nghiêng mình bóng nước xanh trong
                              Trầm hương ngan ngát mà lòng ngẩn ngơ

Đền Nước cách đền Rồng độ 1 km về phía Bắc


Thiếu nữ Mường












                              Hình tượng Rồng trên núi
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

CHẾT NGÀY XẤU

        
       Nhà nọ có người chết, đến xem thầy. Thầy phán: "Ống ấy chết vào ngày xấu lắm - Gay go đây - Phải làm thế này… Phải làm thế kia…và…"
        Nghĩ bụng, chết ngày nào cũng đều xấu cả, đều để lại sự thương xót cho thân nhân, cho gia đình, cho cộng đồng. Không ai chọn được ngày chết cho mình.
       Sao bây giờ người ta vẽ ra lắm thủ tục rườm rà quá cho tang lễ. Đặc biệt là giờ giấc khâm liệm, đưa tang, hạ huyệt. Thân nhân người quá cố có người quá tin vào thày, có người chả tin gì nhưng do áp lực của số đông, có ngược chậc lưỡi cho qua.

        Quan niệm người xưa ngẫm thấy thật có lý: "Tử đắc táng vi vinh" (Chết mà được an táng là tốt nhất).
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

THỜ MẸ TRÊN PHÂY

Vừa qua trên Facebook bất ngờ bắt gặp 2 câu thơ trên một phản hồi Bình luận:
                  Mẹ già không ở trên PHÂY
            Xin đừng báo hiếu ở đây làm gì
      Tôi không rõ lắm cái văn cảnh của hai câu thơ này nhưng suy nghĩ của tôi thì có khác. Thực ra Facebook là một thành tựu của công nghệ cho phép ta thêm một phương thức truyền tải thông tin và giao lưu tình cảm. Ở trên Face khoảng cách địa lý đã không còn ý nghĩa.
      Lòng hiếu đễ của con cái với cha mẹ từ trước đến nay và từ nay về sau có lẽ vẫn vậy. Đó là sự quan tâm săn sóc cha mẹ ngày thường cũng như lúc ốm đau; dù ở gần hay ở xa cũng luôn làm cho cha mẹ vui lòng, hết sức tránh những điều chi làm phiền não đến các cụ.
        Đạo Hiếu ngày nay nếu có khác chăng là khác ở hình thức biểu lộ. Con cái ở xa quá, mỗi năm chỉ về thăm cha mẹ được vài ba lần, không như xưa "Có bát canh cần nó cũng mang cho"
        Mẹ nào cũng rất vui khi biết con mình thành đạt. Nếu như nó thành đạt mà lại ở ngay bên cạnh thì còn gì bằng. Nhưng nguyện vọng ấy của mẹ thời nay nhiều khi là không thể, đành phải chấp nhận các con đi xa vì công việc mưu sinh.
         Cũng có con muốn được gần mẹ để báo hiếu nhiều hơn, chu đáo nhiều hơn đã đưa mẹ về thành phố. Cả một đời mẹ kiệm cần gắn bó với làng quê, khó mà thích nghi nơi phố phường đô hội. Ở nhà, dẫu sao cũng còn được nhìn thấy mảnh vườn, lối ngõ thân quen; bà hàng xóm ăn trầu cùng câu chuyện từ những thời xưa cũ. Thôi thì "Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn…"
          Chúng ta có PHÂY hãy đưa các bức ảnh, các bài thơ, các phim về mẹ lên để anh em, con cháu dù ở xa vẫn như thấy mẹ khi nào cũng luôn bên cạnh.
         Nếu như mẹ không còn trên cõi đời này thì sự tưởng niệm trên Facebook cũng là hình thức để nhắc nhở, giáo dục các con, các cháu cái lẽ Hiếu đạo ở đời. Cũng coi như một nén nhang của đứa con xa quê, hướng về đất mẹ. Nhìn vào di ảnh mẹ lúc sinh thời mà bồi hồi nhớ lại thân cò lam lũ đã nuôi ta khôn lớn trưởng thành.
        Nếu có phê phán, chê trách thì đối với những người này: Làm cách nhà có mươi lăm cây số nhưng còn ham vui, bè bạn. Suốt ngày chúi mũi vào Phây, Ai-pôn, Ai-pát…để rồi mẹ già ngong ngóng chiều hôm: "Có lẽ hôm nay con ta nó bận không về…"
         Vì thế nên tôi muốn sửa 2 câu thơ trên như thế này:
                            Dù mẹ không ở trên PHÂY
                       Vẫn xin đưa mẹ lên đây để thờ
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

ĐI KIẾN TẬP VUI THẬT

Năm 1978 được phân công về trường cấp 3 Quảng Xương 2 kiến tập.
      Tôi và cô Ngọc Liên sinh viên khoa Hóa được phân làm chủ nhiệm một lớp 9 (tương đương lớp 11 bây giờ). Lần đầu tiên trong đời được làm chủ nhiệm lớp, sướng lắm, hăng hái, nhiệt tình có kể. Sáng nào cũng ra trường từ sáng sớm để tập hát, tập múa rồi chữa bài tập, làm báo tường…Học sinh yêu quý đến nỗi giáo viên chủ nhiệm chính ở trường đã phải phát ghen lên:
      - Chúng nó chỉ yêu các thầy cô thực tập thôi chứ bọn tôi chúng ghét không muốn nhìn mặt.
       Lại còn có mục xuống thăm các gia đình học sinh. Một lần tôi và cô Liên cùng với học sinh về xã Quảng Khê. Đến một nhà kia, bố mẹ nó đi làm cả. Em ấy vào buồng bưng ra một rổ khoai luộc, mỗi củ chỉ như ngón tay, mời nhiệt tình lắm: "Thầy Cô cứ tự nhiên đi. Dưới em sẵn mà. Thứ ni nhà em toàn cho lợn ăn"  (!)
      Thời gian kiến tập chỉ có hơn 1 tháng nhưng đã để lại biết bao lưu luyến và nhớ nhung. Khoảng hai chục em đã đạp xe 15 cây số đưa thầy cô lên tận ga Thanh Hóa. Chúng tôi bỏ tiền ra mua một nón kẹo để đãi các em. Thứ kẹo làm bằng bột sắn đen thui chứ không có loại xịn như bây giờ đâu.
      Lên tàu rồi mà học sinh vẫn chưa chịu về, mấy đứa con trai còn bịn rịn chứ mấy đứa nữ thì đứng dưới sân ga ôm nhau khóc như mưa.
      Mươi bữa sau nhận được thư của học sinh. Nhiều tình cảm tràn trề kinh khủng, không kể xiết được. Nói chung là rất thánh thiện và trong trẻo của tuổi học trò.
       Thư của một em có đoạn:
          " 1 - Vĩnh biệt thầy chúng em thề….
          " 2 - Vĩnh biệt thầy chúng em thề….
         Chắc chắn đằng sau đó là Quyết tâm, Quyết tâm và Quyết tâm…
       Lá thư khác của một em nữ thì thành thật đến tận cùng: "Thầy thông cảm nhé, do điều kiện khó khăn nên em bỏ thầy và cô Liên vào trong một bì…" - ý em ấy là chung một phong bì cho đỡ tem…
       Đi kiến tập sư phạm là vui như vậy đó.
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

MUỐN HỎI ĐƯỜNG ĐÃ CÓ

Biển chỉ đường để làm gì?
Câu hỏi ngay lập tức sẽ làm người nghe phát cáu, thậm chí có người bật lại: Hỏi gì ngu thế?
Bạn xem cái hình kia có phải là cái Biển chỉ đường không. Nó nằm ngay trên con đường lớn của thị xã mà tôi thường hay đi qua. Hôm trong Tết tôi tưởng họ cắm tạm để sửa đường nên không để ý. Vừa rồi có anh bạn đi đám cưới ở Kim Sơn hẹn rẽ qua nhà tôi chơi. Xe đã gần đến nhà tôi rồi mà ông ấy còn điện: “Về chỗ ông có ra đường Một được không”. Nhà tôi cách Quốc lộ 1 chừng 3 cây số, đường lớn đẹp. Lúc ấy xe ông ta chỉ cách nhà tôi độ 2 cây thôi, thế mà đang còn phải điện lại để xác minh.
Lỗi ở cái tấm Biển chỉ đường ấy đấy. Cứ theo nó thì đi Bỉm Sơn thẳng tiến, còn muốn lên Quốc lộ 1 rẽ tay trái. Nhưng như thế là mua thêm 20 km qua Ngọc Chuế, truông Phi Lai đường đèo dốc khó đi, lại có 2 cây cầu yếu chỉ cho xe 4 chỗ qua. Người cắm biển vẫn có chỗ để cãi: “Đi lối ấy vẫn ra Quốc lộ 1 được”. Nhưng có ai chỉ đường cho khách bộ hành như thế không. Người ta cần cái đường nào dễ đi và ngắn nhất chứ có phải đi thể dục giết thời gian đâu mà vòng vèo.
Hai cái Biển chỉ đường đối nhau ở chỗ Ngã ba sang Hà Thanh ấy đã tồn tại mấy tháng nay rồi. Không biết đã có ai vô phúc, đen đủi đi theo cái Biển chỉ đường kia chưa. Dân ở đây thì họ biết cả, chỉ khổ cho người nơi khác đến, chả biết lối nào mà lần.
Nghĩ rộng ra, một cá nhân, một gia đình, một đất nước đều cần phải có những Biển chỉ đường thật chuẩn. Nếu không, đời anh lại phải đi qua những đoạn đường quanh co mãi mà chưa đến đích.
Vậy tôi mới tức cảnh làm bài thơ rằng:
               Khốn khổ thân mi phải đứng đường
               Chỉ lối cho người, khách bốn phương
               Đi ngược thì sang theo mé núi
              Về xuôi cứ thẳng phía bên mương
              Sư cha thằng vẽ sao ngu thế
              Khiến cháu ông đi lạc cả đường
              Còn phúc bởi vì chưa xuống hố
              Nếu không lại phải đến nhà thương
Đọc tiếp »

KÝ HỌA PHẠM VĂN TƯ

       Một sự ngẫu nhiên tôi có hân hạnh quen biết Họa sỹ Phạm Văn Tư. Ấy là qua một người bạn khác giới thiệu.
      Ông là một người rất nổi tiếng trong chuyên môn. Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam. Giải nhất tranh hài Quốc gia. Giải nhì tranh hài Quốc tế. Và hiện đang có rất nhiều tranh hài đăng trên các báo.
      Tôi thỉnh thoảng cũng viết bài gửi đăng ở trang của ông. Bao giờ ông cũng cảm ơn hết sức nhã nhặn.
       Ông ký họa Kỹ thuật số rất có hồn, vì ông có chuyên môn hội họa. Một hôm tôi nhắn tin cho ông: "Khi nào bác làm cho tôi một bản  chân dung. Tôi phải hỏi trước vì sợ bác bận".
        Hôm sau thấy ông nhắn lại:
        "Tôi có lời mời bạn chọn và gửi ảnh gốc để tôi làm tặng bạn 1 bức Ký họa Kỹ thuật số. Ảnh gửi hình người phải to rõ nét và có dung lượng tối thiểu từ 2 đến 3 MB định dạng JPG thì mới đủ xài. Sự góp mặt của bạn trong Bộ sưu tập Ký họa những gương mặt đương thời trên Facebook mà tôi đang thực hiện sẽ vô cùng phong phú".
          Kết quả là hôm nay ông gửi cho tôi bức ký họa này. Tôi cảm ơn  nhưng ông vẫn khiêm nhường: "Không có gì ghê gớm lắm đâu. Anh cứ quá khen".
           Bạn nào chơi Facebook và thích thì hãy vào trang của ông, cũng có nhiều chuyện thú vị lắm.
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

ĐỖ ĐỨC

     Hôm lên mượn sách ở Thư viện Bỉm Sơn, tình cờ thấy cuốn “Chuyện đời” của Đỗ Đức. Mang về xem mới hay rằng mọi sự ở đời đều có thể thành chuyện. Đôi khi ta ít để ý hoặc xem nó rất thường nhưng khi ngẫm kỹ lại thấy nó không thường chút nào.
     Văn phong của anh không cầu kỳ, trau chuốt ngược lại rất bình dị, mộc mạc và dân dã như cuộc sống vốn có. Tưởng như có sao nói vậy nhưng kỳ thực anh có những thông điệp rất sáng rõ: nhân văn, bao dung, thương người ngèo, người ít học, người yếu thế.
      Đọc mấy chục mẩu tản văn mới biết anh đi khá nhiều nơi. Đến nơi nào cũng có chuyện để kể. Chắc chắn anh đi để tìm đề tài cho các bức họa nhưng vẫn không quên chép lại chuyện đời.
      Ngày 8/3 anh có câu chuyện: “… gặp người bạn thấy cứ bần thần, anh bảo: Đúng là cái vui của nơi đô hội, cái gì cũng thái quá. Ngày này, cả thành phố đang náo nức, anh lại nhớ đến mẹ. Bởi người mẹ của anh cả đời tần tảo cho đến khi nằm xuống vẫn không hề biết trên đời này có ngày mùng 8 tháng 3…”
       Về quê ăn cưới cháu anh viết bài “Đám cưới ở quê” cảm thông với sự khốn khó của người dân quê cũng như các thói tục khó bỏ: “Ôi! Cưới xin, cái việc muôn thuở của một đời người. Ở thành thị hay nông thôn cũng vậy, việc tổ chức cưới đang có cái gì đó không ổn nhưng chưa tìm được lối ra…”
       Tôi thích lối viết của anh không kiểu cách, làm duyên, làm dáng mà đi ngay vào vấn đề. Nếu cứ như cách của anh thì quả thật đời còn lắm chuyện lắm.
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

SƯƠNG MÙ SA-PA


     Hè năm 2012 có dip lên Sa-pa. Ngồi với một chú em vốn là dân chơi ảnh nghiệp dư. Tôi hỏi: Xem ảnh Sa-pa người ta hay thấy các biển mây, họ đã chụp vào thời điểm nào? Chú ấy cho biết thường cuối thu hoặc mùa đông và cũng phải công phu mai phục thì mới kiếm được ảnh đẹp. Chú kể có lần xách máy vào tận Tả-van để chờ mặt trời gác núi chụp một kiểu sương chiều. Chú cho tôi một số file ảnh mây và sương mù Sa-pa.

     Trong số mười mấy cái đó thì tôi thích cái này hơn. Trước hết nó như một bức tranh thủy mạc đen trắng. Sau nữa là dưới lớp sương mù thấy có hơi thở của cuộc sống, những nếp nhà ẩn hiện trong sương. Nhiều ảnh mây và sương mù cũng đẹp nhưng có vẻ cô quạnh quá.
Đọc tiếp »