Trang

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

GIÃ GẠO



Cái Cối xay lúa, nó chỉ mới bóc vỏ trấu để ra hạt gạo lật, đang còn vỏ cám bám ngoài. Muốn gạo trắng, ngon phải cho vào cối giã gạo, tách vỏ cám ra khỏi gạo. Công đoạn ấy gọi là giã gạo. Từ những năm 90 trở về trước, khi mà chưa có máy xay xát thì cối giã gạo rất thịnh hành trong mỗi gia đình.
Nhìn ảnh có thể thấy nguyên lý Cối giã gạo thật là đơn giản theo nguyên tắc đòn bảy của vật lý. Làm cái cối giã gạo cũng không khó như đóng cối xay. Một đoạn gỗ thẳng, lắp vào cái chày ở một đầu còn đầu kia làm bàn đạp. Một cái nõ làm trục xuyên ngang thân gỗ. Đóng cái bệ có 2 trụ để cái nõ tỳ vào và quay trên đó. Phía bàn đạp có khắc những khấc ngang để khi đạp chân vào khỏi bị trượt, phía dưới đào một hố sâu xuống đất. Kiếm một cái cối đá đại chôn về phía đầu chày. Vậy là đã có một chiếc cối giã gạo.
Cối nhà nào hoạt động nhiều thì cái nõ, đôi trụ và đầu chày thường bị mòn vẹt. Có những khi phải dùng rơm hoặc giẻ rách độn quanh nõ để điều chỉnh cho cối khỏi nghiêng. Vì thế khi làm cối phải đặc biệt chú ý các bộ phận này, nhất là cái chày, nhà nào kiếm được cái chày gỗ nghiến hoặc gỗ sến thì yên tâm, mấy năm không phải thay.
Tôi quen một ông chủ có cái nhà sàn và sưu tầm các đồ vật cổ bày bên dưới. Trong số các vật dụng cổ đó có cái cối giã gạo. Nhưng xem ra cái cối này mới làm, hình như chưa giã được mẻ nào thì phải, mõm chày không tròn nhẵn mà đang còn nguyên vết cưa. Bàn đạp cũng vậy, thiếu dấu vết của sức lao động nên chưa làm cho cái bàn đạp trơn bóng như cái bàn cối lúc xưa.
Ai ở nông thôn những năm ấy mà chả có một thời cò cưa xay lúa, giã gạo. Buổi đêm giã gạo đến buồn ngủ rờ cả mắt. Buồn quá thì đếm cho qua thời gian, năm trăm hay bảy trăm chày mỗi cối tùy theo cối nặng, cối nhẹ. Hồi còn nhỏ chúng tôi được giao cho việc vừa giã vừa đếm nhưng thường hay láu cá đếm nhảy cóc để nhanh còn đi chơi. Mẹ biết tha cho ra chơi dù biết rằng cối gạo vẫn chưa thật kỹ.
Cho đến giờ nhắm mắt lại vẫn như đang còn thấy bóng mẹ âm thầm, kẽo kẹt bên cối gạo góc bếp, mồ hôi ướt đầm lưng áo, mà lũ con cứ lêu lổng chơi ngoài sân đình….
Vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ già đã về đêm vẫn đang ngồi dần gạo, ngọn đèn dầu mờ tỏ phía trước in bóng lên vách bếp chập chờn.
…….
Mỗi vùng lại có kiểu cối giã gạo khác nhau. Miền núi dùng sức nước để nâng cối, nước từ cái máng dẫn trên núi rót xuống chỗ bàn đạp là một cái phễu đựng nước. Sức nặng của nước đã dìm bàn đạp xuống và kéo chày lên cao. Cứ ì uồm như vậy cả đêm cũng được một cối gạo. Đồng bào Thượng ở Tây nguyên lại giã gạo bằng chày tay và rất điêu luyện, vừa làm vừa hát các điệu dân ca của họ….
Tập “Nhật ký trong tù” có bài thơ liên quan đến giã gạo:
 “Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công
Bài thơ ấy của cụ Hồ nói về chuyện giã gạo nhưng đâu chỉ có đơn thuần chuyện giã gạo. Cụ mượn nó để nói chuyện đời.





Đọc tiếp »

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

CẦU AO


“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Câu ca dao mộc mạc, rủ rỉ tâm tư ấy đủ cho ta thấy tình cảm gắn bó mật thiết với cái “ao nhà” từ bao đời nay của người dân nông thôn.
Nhưng rồi cái ao nhà rất đỗi thân thương và gần gũi với làng quê ta cứ ngày một hiếm dần như những món đồ cổ vật.
Vừa qua, nhân có công việc vào một làng nọ bỗng thấy cái cầu ao thô sơ, cũ kĩ và dân dã. Nó cũng hao hao như cái cầu ao nhà mình lúc xưa, ba bốn khúc tre xâu lại gác trên hai cọc đỡ cũng bằng tre. Trên hai cái cọc ấy rêu bám xanh rì, chịu khó cho tay xuống nước sờ quanh cọc sẽ tóm được rất nhiều ốc mút. Tầm khoảng 7 - 8 tuổi chúng tôi ngồi cầu ao câu cá, cũng chỉ là loại cá mài mại, rô dăm thôi nhưng cứ mỗi khi cái phao lông gà chúi xuống để rồi giật lên được một chú cá giãy đành đạch đầu kia là lại sung sướng đến mê mẩn người.
Tắm ao cũng là cái thú của lũ trẻ con suốt ngày trèo cây gác tổ chim, chang nắng bắt chuồn chuồn…. Đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại, rủ nhau tháo quần áo gác lên cành cây si rã ra ao, chạy ra cầu ao nhảy ùm xuống nước. Nước với chúng cũng thân thuộc hệt như khí trời vậy, bơi lội là chuyện quá thường, chả đứa nào không biết bơi. Nước sạch, trong và mát, lặn hụp thoải mái, đùa nghịch trêu nhau thoải mái.
Các bà, các chị đi làm đồng về thể nào cũng ghé qua cầu ao rửa ráy chân tay, thường có sẵn một búi rơm giắt ở đầu cọc dùng để kì cọ. Thời khắc cô thôn nữ dáng thon thả đang khỏa đôi chân trần trên cầu ao tạo những vòng sóng  nước lan xa nếu được máy ảnh ghi lại hẳn sẽ là một tác phẩm nghệ thuật sống động.
 Ở nhà quê cái cầu ao là cái không thể thiếu được với mỗi gia đình. Nước ăn thì gánh ngoài giếng làng nhưng rửa rau, giặt giũ, tắm táp… thì hầu hết diễn ra trên ao nhà. Vì thế tiêu chí nhà khá giả ở thôn quê thời ấy là có nhà ngói, có vườn rau và có ao.
Nay cái cầu ao không còn mấy, một phần do bà con đào giếng, xây bể. Nhưng quan trọng hơn nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều gia đình đã lấp ao để lấy đất làm nhà, làm vườn. Những gia đình còn ao thì nuôi cá và phải cho cá ăn phân, thức ăn chăn nuôi tổng hợp… làm cho nước có màu vàng xỉn, đùng đục, nhờ nhờ. Và chắc chắn nước ấy không thể nào tắm rửa được.
Vẫn biết rằng mỗi thời mỗi khác mà sao chiếc cầu ao trên cái ao nhà vẫn khiến ta hoài tưởng về một thời xa vắng. 
Đọc tiếp »

ĐAN TRE

NGHỀ TRE ĐAN

      Hôm trước về quê đến nhà ông anh, thấy ông đang căm cụi đan lát ở góc hè. Lâu lắm mới lại thấy một người ngồi đan lát. Cứ tưởng thời đại đồ nhôm nhựa đã giết chết nghề tre đan truyền thống. Người Việt tự hào về cây tre đến mức coi nó như biểu tượng quật cường của dân tộc. Ông Thép Mới đã viết hẳn một thiên phóng sự về Cây tre:
     - “Tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp….
    - “Ðất nước ta có muôn ngàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa….
    - "Muôn ngàn đời ghi công chiếc gậy tầm vông đã dựng nên Thành đồng Tổ quốc, và sông Hồng bất khuất có cái chông tre"….
       Ông cha ta đã bao đời nay gắn bó với thúng, mủng, dần, sàng, rổ rá… Rồi những vật dụng kiếm cá hàng ngày như cái giỏ, cái dậm, cái nơm… Tre làm cọc rào vườn, làm giàn bầu, giàn bí và còn biết bao công việc vụn vặt hàng ngày cần đến tre xanh. Nhỏ thì như cái tăm, cái đũa; lớn thì như cây cột, cái sào. Hiếm thấy một nhà nào ở nông thôn mà trong nhà không có vài thứ bằng tre.
        Chúng đồng hành, tận tụy cùng con người, phụng sự con người cho đến khi mục nát hư hỏng thì trở về lòng đất tự nguyện làm phân bón cho cây cối tốt tươi. Một chu trình sự sống lại bắt đầu, như là quy luật tự nhiên của vũ trụ.
       Những năm gần đây, người càng đông ra, đất thổ cư dần khan hiếm. Nhà cửa của mỗi gia đình ở nông thôn được xây tường bê tông cao ngất ngưởng, trên cắm mảnh chai, mảnh sành lởm chởm. Những bờ rào cúc tần, dâm bụt đã dần dần biến mất. Nhiều lũy tre xanh cũng đã dần dần biến mất để thế vào đó những tòa cao ốc kiến trúc tân kỳ lồi lõm chóp cao, chóp thấp.
       Quá trình công nghiệp hóa cũng mang đến những vật dụng tiêu dùng mới, đầy vẻ hấp dẫn với màu sắc, mẫu mã đẹp, giá cả lại rẻ. Đó là các vật dụng hàng ngày bằng nhựa, bằng ni-lông, bằng nhôm như rổ rá, thau chậu… Nhiều quá đến độ tràn ngập, thừa thãi. Hễ đi chợ về là thể nào cũng kèm theo 5, 6 cái túi ni-lông. Vào nhà nào cũng thấy có hàng chục phương tiện, dụng cụ đồ nhựa, đồ nhôm.
       Giờ đây đi qua các chợ quê, nơi hàng tre đan đã ít người lui tới. Bà cụ lưng còng tuổi ngót tám mươi cho hay: Thanh niên bây giờ không thích ngồi đan lát nữa, nó tù túng vả lại ngày công thấp quá, chỉ còn các ông già gắng gượng giữ nghề cha ông.
        Hàng công nghiệp nhiều thì đồ phế thải bừa bãi, vương vãi khắp nơi. Chúng ta lại chưa có công nghệ thu gom và tái chế rác khoa học và hiện đại. Tất thảy cho vào bao rác, đến nỗi có nơi rác chất đống ở đầu làng, bốc mùi hôi hám, đi qua không chịu nổi.
        Các chất nhựa, ni-lông thì rất khó phân hủy, có khi hàng nhiều chục năm sau. Nạn ô nhiễm môi trường trong đất, trong nước cứ hàng ngày, hàng giờ tích tụ và thẩm thấu. Các chứng bệnh nan y mỗi ngày một nhiều thêm phải chăng có nguồn gốc từ tình trạng ô nhiễm do chính chúng ta gây ra.
        Chính vì thế mà tôi tiếc các bờ tre bị mất, tiếc cái nghề tre đan của ông cha ta từ ngàn đời đã dần dần mai một.  
Đọc tiếp »

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ


     Thầy Kháng hướng dẫn môn thí nghiệm Điện kỹ thuật, người Hà tĩnh, tính tình hiền lành, ít nói và có vẻ hơi nhát gái. Thầy có chiếc xe đạp Liên Xô, ghi đông thấp bắt quặp xuống nên phải nằm rạp xuống để lái.
     Một buổi trưa hè, sau khi ăn cơm xong các cô gái 16-K4 leo lên giường đi ngủ. Không rõ hôm đấy trở trời hay sao mà nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Chị Mai người lớn tuổi nhất trong bọn đã nêu vấn đề: Thách đứa nào mượn được chiếc xe đạp của thầy Kháng tao sẽ đãi 1 chầu bánh mì Ô-mê-ga. Thế là háu ăn nên Diệu Cầm, Lâm và Hà Minh xung phong đi luôn. Lúc đó tầm khoảng 12 giờ trưa, khu nhà ở của các thầy khoa Lý bên kia đường đang yên ắng dưới bóng phi-lao. Ba nàng rón rén đi đến nhà thầy Kháng trong sự dõi theo của các chị ở nhà. Đến nơi thầy đã khép của để nghỉ trưa. Nói là cửa nhưng chỉ đơn giản là tấm phên nứa nẹp cẩn thận, vuông vắn. Ba đứa chần chừ định trở về nhưng lại cũng sĩ diện hiếu thắng nên nghĩ sao đó lại quay lại. Đến nơi ghé mắt qua lỗ phên nứa thì thấy thầy vẫn đang thức coi sách. Chúng tôi bàn nhau: thầy nhát gái thế phải giả tiếng con trai thì may ra thầy mới lên tiếng. Thế là Lâm và Hà Minh phải lủi ra sau đầu hồi nhà còn Diệu Cầm thì bịt mũi giả giọng con trai: 
        - Thầy ơi!
        - Ai đó?
        - Dạ em!
   Thầy ra mở cửa, cảm thấy vô cùng bất ngờ khi có một nữ sinh viên giữa trưa đến gọi cửa nhà mình. Gãi đầu, gãi tai, ngập ngừng một lúc sau thầy mới hỏi tiếp:
        - Cô đến có việc gì?
        - Dạ! Thầy cho em mượn cái xe đạp.
      Thầy không nói gì thêm nữa quay trở vào dắt chiếc xe đạp ra cho Diệu Cầm mượn. Đứng sau đầu hồi nhà Hà Minh và Tăng Lâm bấm bụng, cười rung cả người chỉ sợ lộ. Dắt xe chưa về đến phòng đã nghe tiếng vỗ tay hoan hô ầm ĩ cả dãy nhà nữ. Đến 2 giờ chiều lại mang xe sang trả cho thầy và tất nhiên chiều đó cả phòng được chị Mai chiêu đãi một bữa bánh mì Ô-mê-ga thỏa thích.

                    SUÝT NỮA CHÁY NHÀ
                           (Theo lời kể của Tăng Thị Lâm và Hà Minh)
     Những năm ở ký túc xá sinh viên sợ nhất là cháy nhà. Nhà lúc ấy toàn kiểu nhà tạm, vách làm bằng phên nứa đan lại, trên mái lợp tranh lá cọ hoặc giấy dầu. Gặp mùa hè gió Lào mà chẳng may bị cháy thì chả có cách gì cứu nổi.
      Nhớ có lần đã cháy nhà, trống kẻng báo động liên hồi. May mà có đông người chạy đến mang xô, mang chậu múc nước dội lên nên cũng không gây thiệt hại mấy.
      Nữ khóa 16 ít nên tập trung ở một chỗ, cứ 2 người một giường tầng, một người tầng trên và một người tầng dưới. Có những kỳ ôn thi học khuya lắm đến 1, 2 giờ sáng. Sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác nên mỗi đứa sắm thêm một cái đèn dầu, khi nào muốn thức thêm để học thì dùng giấy bao lại cho ánh sáng khỏi tỏa ra. Bàn học thường là một chiếc rương gỗ tạp, vừa đựng đồ dùng cá nhân lại vừa tiện lợi làm bàn luôn.
      Hôm đấy tầm khoảng 2, 3 giờ sáng, bốn bề ngủ im ắng, mọi người đang say sưa trong giấc nồng, bỗng nghe tiếng hô:
       -  Cháy! Cháy nhà!
       Nghe la mọi người loàng choàng dậy, tim đập thình thịch, quờ quạng tìm dép. Vẫn chưa xác định được cháy ở đâu thì lại nghe đánh rầm một tiếng như là đổ vỡ gì đó ở trong phòng.
        -  Ố trời ơi! Tôi chết mất thôi!
       Điện bật sáng, cả phòng kinh hoàng thấy Tào Xuân Vinh đang ôm chặt cái rương gỗ của mình đè lên người Quỳnh Dương.
       Thì ra đang ngủ say, hốt hoảng nghe tin báo cháy, theo phản xạ tự nhiên Vinh ôm đồ lao xuống đất, vào đúng cái lúc Quỳnh Dương vừa trong màn chui ra. Thế là xảy ra cuộc hội ngộ chị em ngàn năm có một. Cả phòng được một bữa cười đau ruột.
         May sao Xuân Vinh cũng nhẹ nhàng chứ không thì tiếp theo còn phải gọi xe cấp cứu. 
     ...Lại một hôm khác ôn thi nóng quá nên đem đèn dầu ra ngoài hè để học. Ban Phòng cháy đến bắt được và lập biên bản. Mà như vậy sẽ bị phạt và bị đọc tên trên đài truyền thanh của trường. Ông ấy hỏi Diệu Cầm: Tên gì?
Diệu Cầm còn đang ấp úng thì Hà Minh sốt sắng chạy lại:
-      Dạ! Thưa Nguyễn Thị Cà Tẩm ạ!
Ông ấy cúi đầu ghi, cả hội bịt miệng cười, ông ấy nghi ngờ dừng lại và cho người chạy đi gọi anh Hộ phụ trách Khoa.
Anh Hộ đến cũng chưa hiểu điều gì. Hà Minh lại nói luôn:
-      Anh Hộ ơi bạn Cà Tẩm bị lập biên bản rồi
 Anh Hộ hỏi Cà Tẩm nào thì tất cả đều chỉ vào Diệu Cầm.
  Quả nhiên hôm sau sinh viên Nguyễn Thị Cà Tẩm bị nhắc nhở trên Đài Truyền thanh trường về công tác phòng cháy
Đọc tiếp »

THẦY NHẪN

Thầy Phan Bá Nhẫn


Hồi năm thứ hai, thầy Nhẫn dạy bọn tôi môn Quang học. Thầy lấy bằng Phó tiến sỹ ở Nga. Kiến thức thầy rất uyên thâm, đặc biệt là trí nhớ siêu việt và khả năng suy đoán.
Phong cách của thầy lên lớp rất nghiêm trang và thường bắt đầu bài giảng như sau: "Tôi sắp trình bày với các anh chị một vấn đề CỰC KỲ QUAN TRỌNG…"
Thoạt đầu thấy cũng khác thường và cũng thấy quan trọng thật. Nhưng một số buổi nữa thầy vẫn mở đầu như vậy…
Hôm ấy lại có giờ Quang học, lũ con trai cá cược với nhau xem hôm nay thầy có nói như mọi khi không.
Thầy vào lớp hắng giọng và bắt đầu bài giảng: "Tôi sắp trình bày với các anh chị một vấn đề CỰC KỲ QUAN TRỌNG…"
Bọn con trai bịt mồm cười rinh rích, có đứa cúi đầu xuống gầm bàn. Thầy ngừng giảng. Đảo mắt nhìn quanh lớp, xem xét lại trang phục của mình…
Không khí im lặng, nặng nề bao trùm đến nghẹt thở, không còn đứa nào cười được nữa. Thầy lại tiếp tục giảng bài như chưa có gì xảy ra.
Chả biết thầy có tìm hiểu xem vì sao chúng tôi cười không nhưng sau lần đấy không thấy thầy mở bài kiểu kia nữa.
Sau này nghe tin thầy làm Trưởng khoa và lên đến chức Hiệu trưởng trường ĐH Vinh. 


Đọc tiếp »