Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

GIỖ BÁC PHẠM VĂN VIỆT




















Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

KHÚC NHẠC ĐỒNG QUÊ


Lại vẫn còn đây chỗ để chơi
Tha hồ nhảy nhót với thi bơi
Suối Rồng xanh thẳm mùa con nước
Nhớ lại ngày xưa tiếc một thời

 (Toan Minh)
Lại nhớ sông xưa thuở thiếu thời 
Dòng xanh thỏa sức nhảy rồi bơi 
Bây giờ cảnh ấy thành của hiếm 
Chỉ thấy nước ngầu chẳng dám chơi

(Nguyễn Soạn)
Vẫn còn có chỗ để mà chơi 
Lũ trẻ vô tư thật tuyệt vời
Ươc gì ta hóa ngày xưa nhỉ?
Để đươc hồn nhiên thỏa sức bơi

      Nguyễn Mai
    Một đàn con trẻ cùng chơi
Hồn nhiên như nước giữa trời tự do
o     
 Tự do nhưng cũng đáng lo
Mẹ cha bận rộn, rủi ro rập rình
·          
Tuổi thần tiên, cảnh thần tiên
Để cho những kẻ lắm tiền ước ao
·          
 Lắm tiền Ri-sọt mời vào
Còn đây dân dã khác nào cảnh tiên


Đọc tiếp »

CÁC ẢNH ƯNG Ý

 SỚM PHẢI MƯU SINH

 THỢ THUYỀN

VỰC BÒ

Khúc nhạc đồng quê

 Tác nghiệp

 Hoa dại

Pomihoa xa xa
Đọc tiếp »

CỐNG MỘNG GIƯỜNG


Từ khi còn nhỏ tôi đã nghe người lớn nói đến cống Mộng Giường, không hiểu sao lại gọi vậy, chỉ hiểu sơ sơ là Giường mà gãy mộng là sẽ sập nên nó rất quan trọng. Ba chục năm trước tôi đã đến cái Mộng Giường 1 cách cầu Hói Đào khoảng độ gần cây số về phía đông, lúc ấy chưa có  cống Mộng Giường 2. 
Thiên nhiên đã ưu đãi, dồn góp biết bao nhiêu màu mỡ phù sa cho vùng đồng biển của Nga Sơn. Giờ đây, đứng trên cống Mộng Giường 2 mà nhìn ra xung quanh, nó rộng mênh mông đến mấy trăm héc-ta, sau bao lần quai đê lấn biển. Phía nam là Nga Tân, Nga Thanh, phía bắc là  Nga Tiến, Nga Thái, những cánh đồng cói xanh bát ngát chân trời.

Cống Mộng Giường 2 tiến sát về phía biển cách Mộng Giường 1 độ ba cây số. Nó trấn ngữ cửa sông Hưng Long ngăn mặn tràn vào đồng, xả lũ mùa bão lụt. Xa xa về phía đông, qua con sông Càn là xã Kim Hải, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Từ nhiều năm nay phù sa sông Hồng, sông Đáy đã bồi lắng về phía đông và phía nam làm cho vùng đất Cồn Thoi ngày càng rộng thêm. Và rồi đây Nga Sơn sẽ là một địa danh không còn biển, đảo Nẹ cũng sẽ sát nhập vào đất liền. Có chăng chỉ còn một ít nơi cửa Sung của xã Nga Bạch giáp với Hậu Lộc. Nghề đánh cá dần dà rồi cũng không còn phát đạt như xưa. 
 Cống Mộng Giường 2
 Thuyền cá về bến
Trên đỉnh cống Mộng Giường 2
Đọc tiếp »

BÌM BÌM

            Cái tấm dậu trước kia trông ngạo nghễ, vững chãi là thế mà nay bìm bìm phủ kín, vươn ngọn về tứ phía, nở ra những bông hoa tím biếc lung linh trong nắng gió. Nó dẻo dai và sinh sôi như cỏ, trùm lên bức rào đổ nát trông thật tội nghiệp. Loại dây leo ấy là một thứ cây dại rất phổ thông ở khắp Bắc Trung Nam, mùa nào cũng có. Nhớ được mấy câu in trong sách hồi còn bé đang đi học:
“Có dây bìm bìm
Leo trên bờ dậu
Bướm vàng đến đậu
Hoa tím rung rinh”.
Nó được người đời gán cho câu thành ngữ: “Dậu đổ Bìm leo”, một lối ứng xử cay đắng và trớ trêu ở trên cõi nhân sinh này. Khi mà người ta còn quyền lực, còn ảnh hưởng thì xem ra oai phong nhiều lắm, tiếng nói có gang có thép, mỗi lời nói, mỗi việc làm luôn được cả vạn người theo dõi tung hô. Nhưng bỗng một ngày nào đấy thất thế hoặc mãn thời thì mới nghiệm ra cái sự đen bạc của tình đời. Người ta có thể quay lưng, người ta có thể nhạt nhèo, nhưng như thế còn đỡ. Người ta có thể chê bôi, có thể đàm tiếu cái mà trước đó người ta không dám.
Bìm bìm thật là oan uổng khi phải đóng vai một kẻ cơ hội tham gia vào tấn tuồng đời. Mãi mãi nó chỉ là cỏ cây cung cấp dưỡng khí cho muôn loài, có biết gì đâu chuyện lọc lừa, dối trá.
Bìm bìm cứ vô tư xanh mướt mặc cho sự bon chen… tầm thường như ngàn đời nay vẫn vậy. Ôi! Bìm bìm… 


Đọc tiếp »

ĐỀN TRÌNH MINH ở NGỌC CHUẾ

     Ở lưng chừng đồi của làng Ngọc Chuế, xã Hà Châu, huyện Hà Trung, Thanh Hóa có ngôi đền mà ít người biết đến: Đền thờ Danh tướng Trình Minh.
Ông là một vị tướng tài ba và hơn cả lại còn văn võ song toàn đã góp phần đắc lực cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất sơn hà. Năm 960, Trình Minh từ Thọ Xuân ra Hà Trung khai hoang chiêu dân mở ấp, lập ra làng Ngọc Chuế, vì thế ông chính là Thành hoàng làng Ngọc Chuế. Gia phả cũng ghi: ông đã cùng với ông Mai Đức Xương ở làng Thạch Lễ kết tình huynh đệ.
Lúc bấy giờ, sau khi Ngô Quyền mất thì nước ta rơi vào cảnh loạn lạc 12 sứ quân. Mỗi tướng chiếm cứ một vùng, chiến tranh giữa các sứ quân cứ liên miên kéo dài mấy chục năm trời. Với tài thao lược hơn người, Trình Minh đã tham gia dưới cờ của Đinh Bộ Lĩnh, dùng hết khả năng võ nghệ, mưu lược của mình để khuất phục 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua gọi là Đinh Tiên Hoàng đế, đổi tên nước là Đại Cồ Việt. Vốn là người lặng lẽ, khiêm nhường, không ham quyền lực ông một mực xin vua cho trở lại quê nhà sống cuộc đời trang ấp dân dã. Vua đã phong cho ông tước Minh Tự Khanh và nhiều bổng lộc cũng như miễn thuế cho làng Ngọc Chuế.
Hai người có công lao to lớn, sát cánh cùng với Trình Minh dẹp loạn 12 sứ quân là Nguyễn Bặc và Đinh Điền thì sau khi vua Đinh mất cũng bị hạ sát vì những đấu đá tranh giành ngôi vị trong triều đình.
Có lẽ vì thế mà chính sử không thấy chép về Trình Minh bao nhiêu. Mọi nghiên cứu về ông phải thông qua Thần phả, gia phả của các nhà và bia ký.      
Đi từ chợ Gáo về xã Hà Châu, qua làng Ngọc Chuế ngược lên đồi cao khoảng vài chục mét là đền Danh tướng Trình Minh. Trước đây ngôi đền chỉ nhỏ bé như một cái miếu bên dưới một cây mít rừng xù xì, cổ thụ. Năm 2013 được con cháu họ Trình cả nước đóng góp và thêm sự tài trợ của Nhà nước, đền thờ được xây mới to lớn, đẹp đẽ. Hiện nay, đền còn lưu giữ được một số di tích cổ như Trình phả tộc bằng chữ Hán là cuốn gia phả ghi chép công phu từ thời Lê (1572) và tấm bia đá ghi công tích được khắc dưới thời Nguyễn.       Tuy nhiên, rất nhiều sắc phong của các thời kỳ vua chúa xưa kia, nhưng đã bị thất lạc.



Đọc tiếp »

RỪNG SẾN


        Đi ngoài Quốc lộ 1 thấy có biển đề “Rừng sến Tam Quy - Rừng cấm Quốc gia” chúng tôi bàn nhau rẽ vào đấy xem cây Sến nó hình thù ra sao. Đường nhựa đẹp, có vài ba đoạn dốc quanh co, đi chừng 5-6 km là đến rừng Sến Tam Quy, thuộc địa hạt xã Hà Tân và xã Hà Lĩnh (Hà Trung, Thanh Hóa). Cây sến thật kỳ lạ, nó cong queo chứ không thẳng như lim, như lát. Nhìn những cành sến gầy guộc, khắc khổ in lên nền trời ta phần nào hình dung được sức sống mãnh liệt của nó. Trong họ nhà cây, Sến được xếp vào hàng “tứ thiết mộc”. Ấy là: đinh, lim, sến, táu. 
Không có nhiều hiểu biết về gỗ nên chụp vài cái ảnh về Rừng sến Tam Quy cho những ai chưa nhìn thấy cây sến.


Đọc tiếp »

LÂM SƠN TRANG


Chúng tôi đã nghe nói đến cơ sở này từ lâu, do bạn bè xem về kể lại. Tôi không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực đồ cổ nhưng yêu thích thì chắc chắn là có. Trước khi đi anh em đã bảo nhau: Lần này qua Vĩnh Lộc phải quyết ghé thăm cho thoả trí tò mò.
Quả nhiên mới đến cổng đã gặp ngay một không gian hoài cổ với hàng chục cái cối đá lăn, cối xay bột, cối giã, chân tảng các loại bài trí. Trong nhà đang xây dựng gì đó nên vật liệu vương vãi bề bộn.
Gặp chủ nhân Lâm Sơn Trang, thật bất ngờ anh còn khá trẻ, chỉ độ 40 nhưng bề dày chơi đồ cổ thì không trẻ tý nào. Tôi thật sự choáng ngợp với hàng ngàn cổ vật từ các đồ đá, đồ gốm đến đồ đồng, đồ sắt đủ các niên đại được chủ cơ sở sưu tầm, tập hợp về đây. Những nồi niêu, bình lọ, bát đĩa, đồ dùng lao động, vũ khí thô sơ của người xưa khiến chúng ta hình dung ra phần nào lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước oai hùng của cha ông.
Anh dẫn tôi đi và giới thiệu những nét đặc sắc của một số loại cổ vật mà nếu nhìn qua ta khó mà biết được. Đây là các loại bình vôi cổ, cái to, cái nhỏ, cấu trúc xinh xắn mà tinh xảo vô cùng. Kia là bình gốm đựng tiền đồng lâu ngày rỉ ghét kết lại thành khối. Còn thanh gươm này từ thời nhà Đinh, tương truyền là của vua Lê Hoàn. Tôi hỏi anh: Làm sao biết? Anh quả quyết rằng: Các nhà khảo cổ học có chuyên môn đã thẩm định rồi chứ chúng em sao mà biết được.
Để có được lượng cổ vật lớn lao ấy anh đã phải vất vả bỏ nhiều công sức, tiền bạc đi thu mua từ khắp các vùng miền. Rất may khu vực quanh Vĩnh Lộc, Yên Định là nơi tập trung khá dày đặc nhiều loại cổ vật. Khi xưa ít người để ý đến nên săn lùng chúng còn dễ.
Từ khi được cấp bằng Di sản văn hoá thế giới, du khách đến thăm Thành nhà Hồ ngày một nhiều. Đến được Thành nhà Hồ mà không qua Lâm Sơn Trang thì cũng coi như mới đi được một nửa. Chủ nhà cho biết anh đang sửa sang, phân loại, sắp đặt, các hiện vật theo thứ tự, lớp lang. Hy vọng lần sau đến Lâm Sơn Trang sẽ có nhiều đổi mới.     



Đọc tiếp »

CAO SU BUỒN


Nếu bỗng dưng xuất hiện ở đây ta sẽ có cảm giác như đang ở một vùng nào đó thuộc miền Đông Nam bộ. Cao su đã khép tán, thẳng hàng chạy dài xa tít tắp. Chúng tôi phi xe máy vào giữa vạt cao su và chọn góc chụp ảnh. Rất nhiều cảnh đẹp mắt và ưng ý, giá như vào mùa lá đỏ thì đẹp quá. Không hiểu sao năm nay nó muộn trút lá. Ánh dương chiều chếch bóng  xuyên qua kẽ lá, đổ bóng những thân cây trải dài trên mặt đất. Những chiếc bát đựng mủ đang nằm trên giá đeo ở cây. Lại thấy mấy chiếc bát vứt dưới gốc chỏng chơ lâu ngày đã không dùng.
Nhớ lại hồi năm 2012 đã có lần tôi lên Xuyên Mộc, nơi chú em có rẫy cao su. Đang mùa thu hoạch, dân cạo mủ dậy từ 3-4 giờ sáng đi làm, tầm 7-8 giờ có người đã hứng được hàng tạ mủ. Khi ấy Cao su đang được giá, làm ra tiền nên bà con phấn khởi lắm. Công ty cho xe đi thu mua mủ cao su ngay trong ngày, bao nhiêu cũng hết.

Sang một rẫy khác. Ở đây dân đang đốn hạ cao su. Hỏi chuyện một cô tại sao lại phá đi. Cô cho biết: Làm cao su bây giờ lỗ nặng, thuê người lấy mủ thì không đủ tiền, vậy nên ai cạo được bao nhiêu thì cạo. Nhìn những đống lá cao su đang bốc cháy trong chiều tà mà xót ruột, thương người nông dân mưa nắng. Suốt hơn 10 năm trông chờ kết quả mà cái vòng tuần hoàn Trồng >> Chặt cũng không tha. Câu hỏi: Trồng cây gì? Nuôi con gì? Tưởng như chuyện hài trong dĩ vãng thì bây giờ đang hiển hiện ra trước mắt.
Hỏi mấy bác đang đứng cạnh đống lửa: Các bác tính phá cao su đi để trồng thứ cây gì? Các bác cười chua chát: Thì bà con bày tui trên ni cũng chỉ trồng ngô hoặc sắn thôi.
Nghe đâu đang có dự án Bò sữa. Nhưng mới nghe nói thôi. Bà con bây giờ cũng không còn háo hức  mấy các dự án thử nghiệm nữa.

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

CỔNG TRỜI

CổngTrời thăm thẳm, dốc quanh co
Đá dựng sườn non, lộng gió lùa
Núi lượn chập chùng như sóng vỗ
Cây reo xào xạc tựa gươm khua
Mây bay đầu suối che mờ lối
Đường vắt lưng đồi vẽ hướng vô
Muốn gặp ôngTrời mà chả được
Hay là thang ngắn, ổng chưa cho
Chúng tôi có chương trình lên Thác Bạc và Cổng Trời, nhưng thật buồn thác mà không có nước. Những mạch nước nhỏ ri rỉ trên cao tưới xuống không đủ làm nên ngọn thác. Khách đến chỉ biết tiếc ngơ ngẩn, chụp vài kiểu ảnh rồi đi. Dân bản xứ bảo từ trước đến nay không vậy. Có lẽ sự biến đổi khí hậu chăng. Hoặc là cây rừng hết đã làm cho nước nguồn dần cạn kiệt. 
Lại lên xe đi tiếp độ chục cây số thì sang bên kia là huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đường đèo dốc vòng vèo như rắn lượn,  nhiều chỗ gấp khúc tay áo, nhìn ra cửa sổ lại thấy con đường vừa nãy đang ở ngay trước mặt. Lên đến đỉnh đèo gió thổi ù ù, tưởng như là nơi đây đãhút hết gió về. Trông sang phía tây núi đồi lúp xúp,  mờ mờ ảo ảo sao mà giống các cảnh trong phim Tây Du ký. Đường đi như sợi chỉ trắng ngoằn ngoèo tựa hồ xuyên mãi đến vô cùng.
Nghe kể lại hồi giặc Tàu đánh sang, chúng tiến vào Sa-pa từ hướng Lào Cai nên dân Sa-pa chạy ngược lên Cổng Trời, chạy về Lai Châu rồi cứ thế mà phiêu dạt về xuôi. Tôi hỏi một anh giáo người địa phương về ý nghĩa của chữ Phong Thổ. Anh bảo chữ Hán có nghĩa là “đất gió” nên gió ở đây kinh khủng lắm, chẳng thế mà có câu: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang”. Sang bên Phong Thổ đã là một kiểu khí hậu khác, có khi chênh nhau đến hàng mấy độ.
Lên đỉnh dốc tưởng đã là một kỳ tích xứng đáng dừng lại để ghi hình. Nhưng thật bất ngờ thấy bên kia đường có 2 người phụ nữ Mông đang gùi rau rừng đi ngược dốc. Nhìn dáng vẻ họ chả thấy có gì là nhọc mệt, chỉ thấy toát lên một khả năng nhẫn nhịn, kiên cường. Heo hút vậy nhưng vẫn có vài quán nhỏ đơn sơ bán hang vặt: nước, kẹo bánh, thuốc lá, xà phòng, khăn mặt…
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

THẠCH THÀNH


                                  TẢN MẠN MỘT THỜI XƯA CŨ
      Ở Thạch Thành chưa đầy 2 năm học nhưng cũng đủ để lưu lại trong tôi những ký ức ngọt ngào và sâu lắng bởi đó chính là mái trường đầu tiên nơi tôi bước vào nghề dạy học.
Tháng 10 năm 1979 cầm Quyết định điều động đến trường, tôi lên gặp và trình thầy Hiệu trưởng. Xem xong Quyết định thầy bảo:
Chú sẽ gặp ông Lênh hành chính để ông ấy chỉ phòng ở. Nếu cần thì góp gạo nhờ ông bà ấy nấu ăn cho.
       Mới chân ướt chân ráo về đây chưa quen biết ai nên tôi nhận lời để anh chị Lênh nấu hộ cơm. Khoảng tháng sau thấy có một mình phiền toái quá nên tôi đã kiếm xoong nồi để tự nấu. Khu tập thể dạo ấy khá đông vui: Võ Kỳ Anh, Lê Thuyết, Bồi Toán, cô Dân Sử, cô Dương Pháp, Hùng Pháp, cô Nga, cô Ích, cô An… Khu gia đình thì có các anh chị Tiến Tập, Chi Bằng, Thắng Dung. Những ai nhà không xa lắm thì thường cứ chiều thứ Bảy là chuồn như anh Tân, anh Nguyên, anh Hồ... Bọn chúng tôi xa xôi thường ở lỳ lại khu tập thể hàng mấy tháng liền.
       Trường chỉ có duy nhất một dãy phòng học cấp 4, còn lại là tranh tre, tường đất. Mỗi khi trời mưa sân trường lầy lội như ruộng mạ sắp gieo. Các lớp học không có điện, những hôm mùa đông vào tiết cuối thầy trò chả nhìn rõ nhau, nghe tiếng trống tan, học sinh đồng loạt ồ lên sung sướng.
      Nhớ mãi hôm Rằm tháng Giêng năm 1980, thầy Bang rủ tôi, Kỳ Anh và Thuyết lên Thạch Cẩm chơi. Chiều thứ Bảy, bốn thày trò đạp xe lên đường, dọc theo sông Bưởi mà tiến về mạn ngược. Lần đầu tiên ở nhà sàn, ăn món thịt lợn rừng gác bếp được cảm nhận cái hương vị là lạ của miền sơn cước. Về đêm bỗng nhiên tỉnh giấc nghe văng vẳng xa xa tiếng ai đấy hát một khúc dân ca Mường. Hôm sau, trên đường về, trời ấm và sáng, 4 thày trò xuống sông Bưởi tắm. Nước trôi xuôi lững lờ, trong đến mức nhìn thấy rõ cả từng viên đá cuội dưới đáy, chúng tôi tha hồ mà bơi lội, vẫy vùng thỏa thích.
        Ngay sát vách phòng tôi là phòng anh Trương Thanh Hồ, dạy văn, người dân tộc Mường. Là thương binh bị mất một tay nhưng anh lao động giỏi hơn cả người lành lặn. Bắn súng hơi thì thiện xạ vô cùng. Thấy con chim đậu trên cành cây mé sau trường, anh xách súng lên và bảo: “Ta đi lấy con chim kia!”, nhẹ nhàng như lấy đồ trong túi vậy. Chiều tối hôm ấy, vừa lên lớp xuống, thấy anh gọi: “Này, sang đây, ta đang có món này”. Tôi sang thì thấy trên mâm ngoài vài món thông thường còn có thêm một đĩa trăng trắng trông như cơm nguội rang. Anh hỏi tôi: “Có biết cái chi không?”. Quả thật từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa được ăn món này khi nào. Nó bùi, hơi ngòn ngọt và thơm thơm. Đấy là lần đầu tiên và cũng chưa có lần thứ hai tôi được ăn món trứng kiến. Anh cho biết hôm qua Chủ nhật vào rừng thấy có tổ kiến to trên cây, chặt mang về lấy ra được vài bát trứng.
        Cuối năm 1980, tôi và Hoàng Kim Lân được điều động vào quân đội. Sự việc đột ngột khiến tôi không kịp báo về gia đình vì đi lại lúc ấy thực là rất khó khăn. Tôi cùng với 2 đứa em ra hiệu ảnh Quang Thọ chụp một kiểu đen trắng làm kỷ niệm. Hôm sau ra lấy ảnh ông Quang Thọ bảo:
- Tôi không lấy tiền của thày và sẽ phóng một chiếc chụp cá nhân thầy treo ở đây để dù cho thày có đi đâu chăng nữa học sinh cũng vẫn nhìn thấy.
          Đã 35 năm xa Thạch Thành nhưng kỷ niệm về một thời trai trẻ vẫn trinh nguyên như mới vừa hôm qua vậy.

                                 CẤP 3 THẠCH THÀNH
(Đây là Tôi và cô Lưu Thị Tươi, Hiệu trưởng trường THPT Thạch Thành)
       
         Lâu lắm rồi tôi chưa về trường cấp 3 Thạch Thành, phần vì đường đất xa xôi, phần khác phải lo cho cái tôi trước mắt mà vô tình quên lãng những tháng ngày xưa cũ.
          Địa điểm của trường cấp 3 Thạch Thành ngày ấy, nay là một cơ quan khác tọa lạc. Trường ở Dốc Trầu với tôi hoàn toàn mới lạ bởi ngày đó chỉ là sự khởi đầu cho việc đào móng, san nền. Chưa có máy ủi, máy gạt nên hàng tuần thày và trò phải luân phiên ra lao động xúc đất đá san lấp làm mặt bằng. 
         Năm nay trường THPT Thạch Thành 1 kỷ niệm 50 năm thành lập (1965-2015). Mặc dù đã làm được một số nhưng rải rác quanh đấy vẫn còn nhiều hạng mục công trình dang dở. Cô hiệu trưởng Lưu Thị Tươi đang trăn trở chuẩn bị cho ngày kỷ niệm vào dịp cuối năm. Thời gian không còn bao nhiêu với khối lượng công việc đồ sộ, ngổn ngang kia.
         Tình cờ tôi gặp lại chị Lênh, người phụ nữ từng làm công tác hành chính trong nhà trường, nay đã ngoài 70. Ngày đầu mới đến trường tôi đã nhờ anh chị nấu hộ cơm. Mới hôm nào..... Nay đã 35 năm có lẻ.

                                    BẾN ĐÒ THẠCH ĐỊNH NĂM XƯA
     
       Nơi đây mấy chục năm trước là bến đò Thạch Định, vào các buổi sáng, các ngày phiên chợ khách bộ hành qua lại nhộn nhịp. Lúc ấy chưa có trường THPT Thạch Thành 2 nên học sinh các xã Thạch Đồng, Thạch Bình, Thạch Định, Thạch Tân… đều phải qua đò sang Kim Tân học. Nhiều hôm trống vào học mà hãy còn vắng đến nửa lớp, lý do các em bị lỡ đò.
     Sông Bưởi mùa nước cạn thì hiền hòa, lờ lững trôi xuôi, ngày ngày tưới xanh những bãi mía, nương ngô ven bờ. Nhưng vào mùa lũ nó hung tợn như một con mãnh hổ, lồng lộn phá vỡ cả đê điều, nhấn chìm cả ruộng đồng, làng mạc. Thị trấn Kim Tân có năm đại hồng thủy nước ngập lút mái nhà.
      Nay thì đã có một cây cầu xi-măng bề thế vắt ngang đôi bờ sông Bưởi, thực hiện ước mong bao đời nay của người dân lao động để Thạch và Thành không còn bị cắt chia. Một khẩu hiệu lớn ngay đầu cầu nói về thì tương lai Thạch Thành sẽ phấn đấu là một huyện kiểu mẫu của xứ Thanh. Và trên cầu cũng treo rất nhiều các ý tưởng lớn lao như vậy.
        Chúng tôi qua Thạch Định để đi lên Thạch Bình cách đấy độ 6 cây số. Tới một cây cầu khác sang Thành Trực lại thấy có tên “Cầu Thạch Định”. Lấy làm lạ hỏi thì người ta bảo Tên dự án đã như vậy rồi nên không thay nữa.
      Việc đi lại bây giờ thật dễ dàng. Người nào đi xa khoảng mươi năm mới trở lại thì sẽ thấy diện mạo quê hương đổi khác.

                     CÂY CỔ THỤ Ở THÀNH AN


Trên đường ngang qua xã Thành An, huyện Thạch Thành có mấy cây cổ thụ tán lá xum xuê. Dưới thung lũng kia lúa xanh thì con gái, bảng lảng sương sớm chưa tan, thấp thoáng những dãy núi mờ xa ẩn hiện, phía bên kia là hồ Đồng Ngư.
Trước đây con đường này chỉ là đường mòn của cánh thợ rừng và của đồng bào địa phương. Mãi sau này có Lâm trường, người ta mới mở đường để chở gỗ xuống xuôi (dân quen gọi là “đường Lâm nghiệp”). Năm 1979, lần đầu đi qua đây để lên Kim Tân, dọc đường tôi còn thấy khá nhiều cây cổ thụ, rừng núi âm u, nhiều nhà sàn cùng với các chị, các bà mặc áo váy dân tộc Mường. Khi ấy chưa có đường nhựa, có những hôm mưa to nước chảy qua đường như thác đổ làm sạt cả một đoạn dài.

      Những cây cổ thụ kia không biết đã bao nhiêu tuổi nhưng tôi đoán ít ra cũng phải hàng trăm năm. Trải qua bao mùa thay lá, chỉ có nó là được chứng kiến tất cả những đổi thay, biến động trên mảnh đất này. Nhìn thân hình sù sì, gân guốc của cây mà thầm nghĩ: Có lẽ nó sẽ trường sinh bất tử.   
Đọc tiếp »